.

Tổ trưởng dân phố: Bầu hay cử

Tại cuộc đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường diễn ra mới đây, một vấn đề được nhiều người quan tâm là củng cố, tăng cường hiệu quả công tác của thôn, tổ dân phố (từ đây gọi tắt là tổ dân phố). 

 Để xây dựng tổ dân phố vững mạnh, vai trò của tổ trưởng dân phố là rất quan trọng. Vậy tổ trưởng dân phố nên để nhân dân trực tiếp bầu hay cấp trên chỉ định? Trả lời câu hỏi mà đồng chí Bí thư Thành ủy nêu ra, nhiều ý kiến từ cơ sở đề nghị nên để nhân dân bầu trực tiếp, nhưng cũng có một số ý kiến chủ trương lãnh đạo xã, phường nên cân nhắc cử tổ trưởng dân phố.

Có thể hiểu tổ trưởng dân phố là người đại diện cho chính quyền cơ sở tại tổ dân phố nhằm vận động, đoàn kết nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương. Vận động quần chúng là phương thức hoạt động cơ bản của tổ dân phố nên người tổ trưởng dân phố cần phải có uy tín, nhiệt huyết, là người đại diện cho quyền lợi của bà con, là tấm gương sáng cho nhân dân soi mình, được nhân dân tin yêu, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. 

 Để nhân dân bầu tổ trưởng dân phố có ưu điểm là phát huy được dân chủ cơ sở, tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân về vị “thủ lĩnh” (trong phạm vi tổ) của mình. Tổ dân phố không phải là đơn vị hành chính trong hệ thống chính quyền 4 cấp, nhưng nó có vị trí quan trọng là cầu nối giữa chính quyền cơ sở với nhân dân tại các khu dân cư, có trách nhiệm vận động, đoàn kết nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương.

Làm tổ trưởng dân phố việc nhiều mà lợi ít, nên để hoàn thành nhiệm vụ mà mình gánh vác, không chỉ đòi hỏi họ phải có kỹ năng, phương pháp tổ chức, vận động quần chúng, được quần chúng tôn trọng, tin yêu, nể phục mà phải là người nhiệt tình, hăng hái, tận tâm. Người tổ trưởng dân phố phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mẫu mực trong lối sống, trong giáo dục con cái, tình thương yêu, độ lượng với bà con láng giềng...

Tổ trưởng dân phố là tấm gương để người dân soi mình, là trung tâm của sự đoàn kết láng giềng, chia sẻ vui buồn, tối lửa tắt đèn có nhau. Để thực sự là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân thì tổ trưởng dân phố nên để nhân dân lựa chọn.

 Đà Nẵng đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, với sự xáo trộn với tốc độ nhanh các thiết chế xã hội truyền thống và thay vào đó là nhiều khu dân cư mới ra đời. Các khu tái định cư phổ biến là dân “thập phương” tụ về, nên thời gian đầu chưa thể “biết”, nói chi đến “hiểu” nhau. Vì vậy, ở các tổ dân phố mới thành lập, tổ trưởng dân phố nên được cấp có thẩm quyền cử.

Cả hai phương thức “dân bầu” và “phường cử” tổ trưởng dân phố đã có tiền lệ. Mỗi phương thức đều có thế mạnh và những hạn chế của nó. Nơi nào cần để nhân dân bầu, nơi nào nên áp dụng chế độ bổ nhiệm, cần có sự nghiên cứu, vận dụng phù hợp. Việc tổng kết, rút kinh nghiệm cách thức lựa chọn tổ trưởng dân phố nhằm chọn ra cách tối ưu nhất cần được cấp có thẩm quyền quan tâm đúng mức.  

HỒNG HÀ

;
.
.
.
.
.