.

Quà lưu niệm

Năm 2011 đi qua được nửa chặng đường nhưng những kết quả bước đầu về sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của ngành Du lịch Đà Nẵng đã mang đến thật nhiều tín hiệu tốt đẹp. Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng qua, lượng khách du lịch đến thành phố này là 1,2 triệu lượt, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 297.610 lượt, tăng 40%. Tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 913 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính tổng thu nhập xã hội thu được từ hoạt động du lịch thì hạch toán kinh tế cho một con số không hề nhỏ: 2.283 tỷ đồng.

Những số liệu trên đây phản ánh rằng, con đường phát triển du lịch nói riêng, định hướng phát triển kinh tế-xã hội nói chung đang ngày càng trở nên thênh thang, khoáng đạt hơn. Tuy nhiên, rất nhiều khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài đặt câu hỏi làm chúng ta chợt giật mình: Muốn mua quà lưu niệm ở Huế hay Đà Nẵng thì mua gì?

Câu hỏi ấy có thể được xem là cũ nhưng câu trả lời cho cái cũ đó do khó quá nên dường như cứ ngủ quên qua bao nhiêu mùa nắng, mưa. Khách nước ngoài nói rằng, họ không thể mang chiếc nón bài thơ của Huế đi khắp nơi này đến nơi khác vì thế nào nó cũng hư hỏng, rách nát. Còn sản phẩm đá Ngũ Hành Sơn có kích thước nhỏ thì hầu như ở tỉnh nào của Việt Nam cũng có; trong khi cái lớn, cái đắt tiền thì lại không thể mua và cũng không thể được gọi là quà. Quà lưu niệm có những tiêu chuẩn rất cụ thể, rõ ràng: độc đáo, đẹp, đem theo gọn nhẹ, để được lâu, đúng với túi tiền của đa số du khách xa gần (tạm gọi là 5Đ).

Tại sao chúng ta không học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương, các nước khác hoặc mở một cuộc thi rộng rãi để tìm kiếm ý tưởng hấp dẫn, khả thi về sản phẩm lưu niệm từ cái “túi khôn” gần như vô tận của người Đà Nẵng và của tất cả những ai quý yêu thành phố biển này? Chẳng hạn, một bản đúc bằng đồng hay kẽm... (đắt tiền và công phu hơn là chạm khắc trên đá) đúc (tạc) theo hình bản đồ Đà Nẵng, trên đó có đầy đủ các danh lam, thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Đà Nẵng có lẽ sẽ không thể trùng hợp hoặc “đụng hàng” với bất kỳ địa phương nào. Công nghệ mới cho phép tìm kiếm những vật liệu có thể tốt hơn, đẹp hơn, quý hơn (tùy theo giá trị của món quà cũng như tùy theo mức nặng nhẹ, cảm quan thẩm mỹ của du khách) sẽ làm cho món quà đó trở nên hấp dẫn, đáng mua, đáng gìn giữ lâu bền.

Đừng nghĩ rằng quà lưu niệm chỉ là chuyện nhỏ vì thật ra ý nghĩa tình cảm và quảng bá, sức công phá của nó vừa trừu tượng, vô hình, lại vừa thiết thực. Thử hình dung trong số 300.000 lượt du khách đến với Đà Nẵng trong 6 tháng qua, khoảng 1/3 lượt người có nhu cầu mua quà lưu niệm thì có thể tính toán ngay một khoản doanh thu (tạm tính là 100.000 đồng/món quà hoặc 5 USD) lên đến 10 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến việc nó tạo nên công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và sự hữu ích từ “quảng cáo được tiền”, gián tiếp làm cho sức hút của Đà Nẵng ngày càng trở nên sâu rộng hơn. Song, cũng đừng vội vàng tính đến lợi nhuận từ những món quà lưu niệm. Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng rất cần bù lỗ, hỗ trợ cho các món quà đó nếu xét đến lợi ích dài lâu.
 
Đà Nẵng sẽ đẹp hơn, dễ gần, dễ cảm hơn nhiều lắm, để lắng mãi trong tâm hồn du khách về sự cởi mở, thân thiện, dễ đồng cảm, về một thành phố xanh - sạch - đẹp. Quà lưu niệm, bằng sự “lặng im” của ngôn ngữ không lời nhưng đa chiều của nó, sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao…

TÔ VĨNH HÀ
;
.
.
.
.
.