Thời sự và bàn luận
Văn hóa xin lỗi
Ở các xã hội văn minh, việc xin lỗi là thái độ không có gì phải bàn cãi khi bạn tỏ ra hối tiếc, có hành vi sai trái hoặc vô tình làm ai đó tổn thương… Nếu định nghĩa văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên hết, thì việc xin lỗi người khác là thái độ sống có văn hóa, có thể gọi là “Văn hóa xin lỗi”!
Diễn tả nôm na như vậy để thấy, việc Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa ký văn bản triển khai việc xin lỗi công dân, tổ chức khi giải quyết trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính là một tác động hành chính định hướng một nếp văn hóa cho công chức.
Người đứng đầu UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, công chức, viên chức chuyên môn khi giải quyết hồ sơ theo quy chế “một cửa” nếu chậm hơn thời gian quy định phải có trách nhiệm thông báo lý do bằng văn bản để giải thích và xin lỗi công dân, tổ chức có liên quan… Văn bản xin lỗi, giải thích đối với công dân, tổ chức phải do thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký ban hành và gửi kèm theo kết quả hồ sơ…
Vài năm trở lại đây, có những trường hợp các cơ quan tư pháp, công tố đã tổ chức một số cuộc họp công khai để xin lỗi những người đã bị truy tố, kết án oan sai và thậm chí đã có trường hợp được bồi thường thiệt hại. Trong một xã hội mà định hướng là “dân chủ, công bằng, văn minh” thì việc xin lỗi như vậy cũng cho thấy một đòi hỏi khác: đó là để tránh những vụ việc phải xin lỗi đáng tiếc kia, đòi hỏi công chức các cấp, các ngành phải cần mẫn, có trách nhiệm hơn với dân trong công việc của mình theo tinh thần và các quy định của luật công chức.
Công chức hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân đóng góp. Do đó, sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm cao với công việc của mình cũng là bổn phận trước dân. Không làm tròn trách nhiệm trước dân chẳng những phải bị chế tài bằng vật chất mà còn phải công khai xin lỗi là chuyện hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, đến cơ quan công quyền ngày nay, chúng ta vẫn thấy đâu đó nhiều cán bộ, công chức chưa làm hết bổn phận của mình. Một người bạn vừa đi cùng tôi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để nộp hồ sơ làm chế độ hưu trí. Người tiếp nhận và xử lý hồ sơ đang nói chuyện điện thoại nên chỉ nhìn thoáng qua đã hỏi nhiều câu vặn vẹo rất khó nghe, nào là thời gian đóng bảo hiểm đủ chưa, nào là chị làm việc ở cơ quan nào, về hưu thì cư trú ở đâu…
Những chi tiết mà nếu chịu đọc hồ sơ sẽ thấy ngay. Đến khi bạn tôi bực mình nói gắt, người này mới bỏ điện thoại xuống, nhưng rồi lại hỏi tại sao nộp hồ sơ trễ đến… 2 ngày và ném ra một tờ giấy “Cam kết”; trong đó phải khai rõ lý do trễ, ghi thêm trong thời gian trễ thì ở đâu, có xuất cảnh trái phép, có bị truy tố vì vi phạm pháp luật không.
“Đó là quy định của thông tư… Nếu không ghi thì sẽ phát tiền hưu chậm hơn một tháng…”. Bạn tôi đã quá bực mình, nói lại: “Cán bộ hăm dọa tôi đó à!”. Khi đó, người cán bộ kia mới thôi nói điện thoại và ngồi vào bàn viết biên lai nhận hồ sơ và giấy hẹn… Nhiều người khác đang chờ đến phiên nộp hồ sơ nhìn nhau, cười ngao ngán. Không có lời xin lỗi nào!
Thế đấy! Vẫn còn những hình ảnh phản cảm trong bộ máy công quyền, trong những công chức của chúng ta, mà trên đây chỉ là một ví dụ!
Chỉ mong là lần này, việc triển khai xin lỗi người dân theo chỉ đạo của người đứng đầu UBND thành phố sẽ được thực hiện ngay trong cách cư xử khi tiếp xúc với dân của cán bộ, công chức lẫn khi xử lý hồ sơ chậm theo quy chế một cửa. Có như vậy, hình ảnh người công chức và cơ quan công quyền mới thật sự gần gũi, thân thiện với người dân trong mối quan hệ thắm đượm văn hóa của một đô thị văn minh.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG