Thời sự và bàn luận

Lương và bộ máy

07:48, 10/11/2014 (GMT+7)

Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất tăng lương từ ngày 1-1-2015. Đó là tin vui cho những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách. Theo đó, sẽ có 5 triệu người (thuộc 3 nhóm đối tượng: Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi, người có công; cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống) được tăng lương. Như vậy đời sống của một bộ phận người có thu nhập thấp từ ngân sách Nhà nước sẽ được cải thiện.

Tiếng nói phản biện của các đại biểu Quốc hội đã được Chính phủ lắng nghe và tiếp thu. Rõ ràng rất khó khăn để Chính phủ đưa ra quyết định này. Để bảo đảm có nguồn tăng lương, Chính phủ sẽ phải chắt chiu, kiểm soát chặt chẽ hơn về chi ngân sách. Giải pháp cơ bản và lâu dài phải xúc tiến nhanh là xây dựng và thực hiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ hồi tháng 8-2014.

Dư luận lâu nay bức xúc vì tình trạng bộ máy hành chính Nhà nước ngày càng phình to về biên chế nhưng hiệu quả làm việc thì tỉ lệ nghịch. Đây chính là gánh nặng cho ngân sách trả lương mà thực chất là tiền thuế do người dân đóng góp. Chính bộ phận này đang làm cản trở tiến trình cải cách công vụ, công chức và làm chậm tiến độ cải cách tiền lương của Nhà nước, làm cho lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải sớm hoàn thành đưa vào thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 20% công chức, viên chức với khoảng 100.000 người.

Thực hiện chủ trương không tăng biên chế đến hết năm 2016 của Trung ương Đảng, kể từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng giữ ổn định về biên chế không tăng thêm và vẫn hoàn thành những nhiệm vụ mới tăng thêm. Từ đó đến nay, thành phố đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức các ban giải tỏa, đền bù, tái định cư và các đơn vị sự nghiệp theo hướng sát nhập tinh gọn hơn, đồng thời giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Trong năm 2014, các cơ quan hành chính của thành phố đồng loạt triển khai thực hiện xây dựng vị trí việc làm theo tinh thần Nghị định 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đây chính là công tác xác định danh mục việc làm, vị trí việc làm, khung năng lực yêu cầu đối với mỗi vị trí và số lượng biên chế cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Khi hoàn thành công tác này thì việc tuyển dụng, bố trí công chức phải theo nhu cầu thực sự của đơn vị và phải đúng chuyên môn, đúng yêu cầu về năng lực.

Với việc xác định vị trí việc làm và khung năng lực cho mỗi vị trí sẽ giúp đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức thực chất, chính xác hơn. Điều này cũng có nghĩa sẽ không có chỗ cho những công chức thuộc loại có cũng được và không có cũng được, đồng thời ngăn chặn hiệu quả những người có năng lực, trình độ kém tìm cách “chạy” vào cơ quan hành chính.

Cùng với triển khai thực hiện khoán biên chế, khoán chi hành chính, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và thí điểm cơ chế trả lương, thu nhập theo kết quả làm việc hằng tháng. Đây chính là hướng đi rất mới nhằm đưa lương, thu nhập trở thành động lực làm việc của cán bộ, công chức.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố, Sở Nội vụ đề nghị HĐND thành phố đưa vào nghị quyết của năm 2015 không giao tăng biên chế, dừng ký kết hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính. Đề nghị được Ban Pháp chế hoan nghênh và tiếp thu. Việc giữ nguyên biên chế từ năm 2012 đến nay khẳng định Đà Nẵng rất chủ động, tích cực với công tác cải cách công chức, công vụ tiến tới có một bộ máy thực thi công vụ tinh gọn, có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả và không trở thành gánh nặng trả lương từ tiền thuế của người dân.

HOÀNG ANH

.