Thời sự và bàn luận
Lạm bàn về chuyện chợ đêm
Chợ đêm ra đời rất lâu trong đời sống xã hội của con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ban đầu nó hình thành bởi nhu cầu giao lưu kinh tế, chủ yếu là trao đổi hàng hóa, hay một nét sinh hoạt nào đó của người dân ở một khu vực nhất định. Nhưng những thập niên gần đây, khi kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu của đời sống con người ngày càng cao, nhất là sự tăng tốc của ngành du lịch, thì vấn đề chợ đêm trở thành nhu cầu cấp bách, đặc biệt ở các đô thị lớn.
Ví dụ, để khám phá nét tinh hoa văn hóa ẩm thực và lối sống con người Đài Loan du khách không thể không ghé thăm các chợ đêm Đài Loan. Chỉ là đảo nhỏ 36.000km2 nhưng Đài Loan có rất nhiều chợ đêm. Có nhiều chợ đêm nổi tiếng ở đây như Tây Môn Đinh, Sĩ Lâm (TP. Đài Bắc), Phụng Giáp (TP. Đài Trung), Lục Hợp (TP. Cao Hùng)…
Các chợ thường bắt đầu nhộn nhịp vào khoảng 5 giờ chiều và kéo dài đến 12 giờ đêm. Chợ đêm xứ Đài không chỉ là nơi trao đổi, mua bán các mặt hàng đơn thuần nữa mà nó đã trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Lối sinh hoạt, giao tiếp của người dân địa phương thể hiện qua phong cách bán hàng, cách trò chuyện của những người bán hàng tại chợ đêm.
Trong xu thế phát triển du lịch, một vài địa phương của nước ta đã bắt đầu xây dựng các chợ đêm. Ví dụ, từ những phiên chợ tình của đồng bào dân tộc ở Lào Cai, tỉnh này từng bước xây dựng chợ tình đêm ở Sapa, nhằm quảng bá nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc và thu hút khách du lịch. Tới những phiên chợ tình đêm này ở Sapa, du khách thưởng thức các điệu múa, cách tỏ tình của trai gái và cũng để tìm hiểu về đời sống, hay mua sắm các sản phẩm được sản xuất ở địa phương làm quà lưu niệm.
Hay thành phố Hồ Chí Minh cũng hình thành chợ đêm bên cạnh chợ Bến Thành để bán các sản phẩm lưu niệm, các món ăn đêm cho du khách. Hà Nội xây dựng chợ đêm ngay trong khu phố cổ. Phú Quốc cũng hình thành chợ đêm một số ngày trong tuần để du khách có cơ hội giao lưu mua sắm, tìm hiểu những nét độc đáo của địa phương này.
Thành phố Đà Nẵng vài năm qua cũng đã nỗ lực hình thành một số chợ đêm để thu hút du khách. Nhưng ra đời được một thời gian, chợ đêm ở bên cạnh chợ Hàn đã giải tán do không gây được ấn tượng để thu hút khách. Còn chợ đêm trên đường Lê Duẩn ra đời tự phát bán các loại áo quần… rồi cũng nhanh chóng tan rã. Chợ đêm bên cạnh siêu thị điện máy Nguyễn Kim hiện nay tuy duy trì nhưng chủ yếu bán một số món ăn và cũng không phải là điểm đến hấp dẫn cho mọi người và có dấu hiệu ngày càng trở nên vắng khách.
Chợ đêm phải có một quá trình hình thành, xây dựng và phải là điểm cố định mới có thể nằm trong bản đồ du lịch, chứ hình thành mà không có sự chuẩn bị để nhanh chóng tan rã thì khó lòng nằm trong trí nhớ của du khách chỉ một lần ghé qua. Đây là vấn đề mà chính quyền thành phố Đà Nẵng đang quyết tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng tìm ra các giải pháp cụ thể để xây dựng một chợ đêm Đà Nẵng xứng tầm, là điểm đến có ấn tượng cho du khách.
Vậy đâu là cốt lõi của vấn đề để Đà Nẵng hình thành một chợ đêm đúng nghĩa của nó và có sức hấp dẫn? Người viết xin mạnh dạn đưa ra hai tiêu chí được nhận biết qua các chợ đêm đã hình thành trong cả nước những năm qua:
Điều trước tiên là vị trí của chợ đêm. Đây là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ tới con người. Dựa vào những đặc điểm của thành phố để chọn ra một địa điểm thích hợp, thuận lợi và có ấn tượng nhất. Hà Nội chọn chợ đêm ở ngay khu phố cổ để kết hợp vừa dạo phố cổ, ăn các món ăn mang đậm màu sắc của thủ đô, mua sắm các món hàng lưu niệm.
Thành phố Hồ Chí Minh chọn ngay khu chợ Bến Thành, quy tụ khá nhiều thuận lợi vốn được hình thành trong quá trình phát triển. Còn Hội An lại chọn ở một địa điểm tuy mới nhưng lại có rất nhiều yếu tố thuận lợi như bên dòng sông Hoài thơ mộng, có cầu đi bộ từ khu phố cổ sang, có nhiều khu nhà mới được xây dựng theo mô hình nhà cổ, có bờ sông rộng cho du khách vui chơi…
Thứ hai là sản phẩm của chợ đêm. Những gì đã được hình thành về chợ đêm cho thấy có 3 sản phẩm chính: hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, ẩm thực và mua sắm. Du khách có thể đến với chợ đêm để mua các món hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của vùng miền; thưởng thức các món ăn đặc sắc được quy tụ trong một không gian hẹp, thuận lợi; vui chơi giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng. Đấy mới là sức hút du khách đến với chợ đêm.
Để có được hai yếu tố nói trên thì vấn đề không kém phần quan trọng là những chủ nhân của chợ đêm phải thực thụ là những người phục vụ chu đáo, tận tình, mang tính chuyên nghiệp cao, hết lòng vì du khách.
Rõ ràng xây dựng một chợ đêm cho Đà Nẵng đang là một yêu cầu thực tế cấp bách để góp phần tạo dựng nơi đây thành một trung tâm dịch vụ du lịch của khu vực và cả nước. Cho nên việc nghiên cứu chọn lựa địa điểm và chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho sự ra đời chợ đêm phải công phu, chu đáo.
TUYẾT MINH