Thời sự và bàn luận

2015 - Năm văn hóa, văn minh đô thị

07:44, 01/12/2014 (GMT+7)

Quyết định chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Đảng bộ, chính quyền thành phố kỳ vọng và kêu gọi các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng phát huy đồng thuận cao để tiếp tục tạo ra đột phá mới trên lĩnh vực văn hóa, văn minh đô thị, bên cạnh dấu ấn trong phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, an sinh xã hội...

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng nhận nhiều lời khen, nhưng hiếm có lời khen nào dành cho phát triển văn hóa ở đô thị mang tầm vóc là thành phố động lực của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì lẽ đó, chủ đề năm 2015 không vấp phải những tranh luận hay phản biện trái chiều mà nhận sự ủng hộ và tán thành tuyệt đối tại hội nghị Thành ủy lần thứ 18 (mở rộng) diễn ra ngày 28-11 vừa qua. Vấn đề cần bàn chính là phải làm gì để tạo chuyển biến thực sự rõ nét trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị” mới là điều quan trọng.

Không phải đến bây giờ, từ giữa năm 2014, những hạn chế, tồn tại về văn hóa Đà Nẵng đã được nhận diện và mổ xẻ nghiêm túc, thẳng thắn tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo cao nhất của thành phố với các ngành hữu quan. Sau đó, nhiều cuộc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh từ cấp thành phố đến cơ sở được thực hiện kịp thời.

Từ những cuộc làm việc đầy tâm huyết và trăn trở này, nguyên nhân của những hạn chế thuộc về cơ quan, đơn vị nào cũng được phân định rõ nhằm có sự chấn chỉnh nghiêm túc hơn. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất chỉ trong một thời gian ngắn là kinh phí đầu tư cho văn hóa trong năm 2014 được thành phố tăng hơn 3 lần so với năm 2013 để đầu tư cho những công trình, thiết chế văn hóa trọng điểm của thành phố. Chắc chắn, nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ cao hơn để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh cho văn hóa Đà Nẵng.

Nhưng đầu tư cho văn hóa không chỉ có công trình, thiết chế văn hóa mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể làm nên “linh hồn” của văn hóa Đà Nẵng. Đó còn là trách nhiệm phải phát triển văn hóa trong ứng xử, giao tiếp có văn hóa của con người Đà Nẵng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Từ ứng xử thân thiện, quý mến, trân trọng đối với bạn bè, du khách, cho đến giữ những chuẩn mực văn hóa trong công việc, kinh doanh, ứng xử với các quan hệ khác trong xã hội và ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sống của một đô thị đang phát triển năng động.

Phát triển văn hóa Đà Nẵng còn phải đi liền với việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại đi đôi với việc giáo dục, tuyên truyền và định hướng để người dân, đặc biệt là tuổi trẻ không vướng vào “những luồng gió độc”; không để cho đạo đức suy đồi và lối sống thực dụng trỗi dậy, làm băng hoại các giá trị tốt đẹp của xã hội. Phát triển, đầu tư cho văn hóa cũng chính là làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính những người làm văn hóa.

Trông đợi lớn nhất là Đà Nẵng phát triển văn hóa phải bắt kịp, xứng tầm với phát triển kinh tế và nhu cầu thụ hưởng của người dân, xứng đáng là thành phố hài hòa, thân thiện và đáng sống. Nhưng để làm được điều này, ngoài sự đầu tư, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hằng năm thì việc xây dựng chiến lược dài hơi cho phát triển văn hóa Đà Nẵng cần thực hiện một cách bài bản, khoa học. Tranh thủ sự tham gia đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia có kinh nghiệm dày dạn trong phát triển văn hóa và quản lý đô thị.

Thành phố cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về phát triển văn hóa, mà trọng tâm là xây dựng con người văn hóa, tăng cường đầu tư ngân sách cho văn hóa, triển khai xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa-thể thao trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị”; duy trì và tổ chức tốt các lễ hội văn hóa và sự kiện thể thao; gắn hoạt động văn hóa với phát triển du lịch và các lĩnh vực kinh tế. Với Đà Nẵng, “văn hóa” đã, đang và sẽ phải đi liền với “văn minh đô thị”. Đây là những thành tố quan trọng không thể tách rời vì Đà Nẵng đang vươn mình trở thành đô thị hiện đại mang tính kiểu mẫu.

Không phải ngẫu nhiên mà công trình Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng được chọn làm công trình trọng điểm để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI. Công trình này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn để qua đó khẳng định: Đà Nẵng luôn dành sự đầu tư thích đáng cho văn hóa.

DIỆU MINH

.