Thời sự và bàn luận

Tiếp cận mới về quản lý và đầu tư phát triển đô thị

07:54, 23/12/2014 (GMT+7)

Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho rằng quá trình đầu tư phát triển đô thị trong thời gian qua được ví như một công trình xây dựng mới hoàn thành xong phần xây thô. Vấn đề hoàn thiện đô thị để có diện mạo đẹp đẽ đòi hỏi có thêm nguồn lực đầu tư lớn và có tính hệ thống liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Theo đó, đô thị Đà Nẵng cần được hoàn thiện quy hoạch khớp nối, đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin. Về năng lực quản lý đô thị cũng cần được đầu tư để đáp ứng nhiệm vụ mới.

Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng tiếp cận với các ý tưởng để định hướng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tất cả đô thị đều có đặc trưng riêng nên việc chắt lọc các ý tưởng để vận dụng vào thực tiễn thành phố Đà Nẵng là vấn đề lâu dài.

Lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng đã có phương pháp tiếp cận mới về quản lý và đầu tư phát triển đô thị. Cụ thể, Đà Nẵng đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và thành phố Yokohama của Nhật Bản để xây dựng chương trình hỗ trợ hợp tác phát triển đô thị bền vững. Sự hợp tác này chính thức được khởi động và đặt nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của đô thị Đà Nẵng.

Đà Nẵng tiếp cận vấn đề quản lý và đầu tư phát triển đô thị dựa trên 3 trụ cột ở tính tích hợp phát triển; quản lý tài chính đô thị và đầu tư hợp tác công tư.

Ba trụ cột về quản lý và đầu tư phát triển đô thị thúc đẩy thành phố phát triển bền vững. Tính tích hợp là bước đi cụ thể để thành phố sớm hoàn thiện thiết kế đô thị, phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Về quản lý tài chính sẽ xây dựng thể chế để thu hút các nguồn lực xã hội trong nước và hợp tác quốc tế.

Chú trọng đầu tư phát triển công - tư và mô hình hợp tác đầu tư mới đã được triển khai thành công ở nhiều nước phát triển. Chính quyền thành phố đang xây dựng lộ trình tiến tới thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên khi mô hình hợp tác phát triển công - tư sẽ làm nguồn lực đầu tư phát triển đô thị sẽ trở nên mạnh mẽ.

Ở Nhật Bản, thành phố Yokohama có những nét tương đồng với Đà Nẵng về điều kiện phát triển đô thị ở giai đoạn đầu. Hơn một nửa thập kỷ qua, Yokohama đã thành công trong đầu tư phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị và là hình mẫu về chính quyền đô thị. Thành phố Yokohama đã có sự hợp tác với JICA và Ngân hàng châu Á (ADB). Theo lãnh đạo thành phố Yokohama, việc hỗ trợ Đà Nẵng triển khai quản lý, đầu tư phát triển đô thị bền vững là cần thiết, đồng thời là bước đi cụ thể để trong nội dung ký kết với JICA và ADB.

Theo Sở Tài chính, nhu cầu về nguồn lực đầu tư cho thành phố hằng năm ở mức 10.000 tỷ đồng. Song, hiện tại việc phân bổ vốn chỉ dừng lại ở 1.000 tỷ đồng, tương ứng 10% nhu cầu. Do đó, thông qua sự hợp tác về quản lý và đầu tư phát triển đô thị giữa Đà Nẵng với JICA và thành phố Yokohama được coi là bản lề mở ra chặng đường phát triển mới của đô thị Đà Nẵng.

Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng chọn hướng phát triển đô thị bền vững thì đây là cơ hội để Đà Nẵng đi vào lộ trình căn bản, thống nhất và xuyên suốt cho mục tiêu của mình. Đà Nẵng đang xây dựng chiến lược phát triển thành phố cho tương lai, theo đó tái xác lập tầm nhìn và các mục tiêu mới.

TRIỆU TÙNG

.