Thời sự và bàn luận

Cuối năm, nỗi lo tai nạn giao thông

07:47, 27/01/2015 (GMT+7)

Kết thúc năm 2014, những người làm công tác an toàn giao thông ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì không những giảm tai nạn giao thông (TNGT) mà còn giảm rất sâu.

Cụ thể, trong năm vừa qua trên địa bàn thành phố xảy ra 178 vụ TNGT, làm chết 96 người, bị thương 157 người, so với năm 2013 giảm được 59 vụ TNGT, giảm 34 người chết và giảm 41 người bị thương. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn từ công tác chỉ đạo, thực hiện đến sự tham gia tích cực của cả xã hội. Trong đó, nổi lên công tác tuyên truyền; lần đầu tiên ngành chức năng thành phố mạnh dạn từ bỏ cách tuyên truyền theo lối mòn để tìm tòi những phương thức tuyên truyền thích hợp cho từng đối tượng.

Thế nhưng chưa mừng được bao lâu, thì ngay những ngày đầu năm 2015 này, TNGT đột ngột tăng cao trên cả 3 tiêu chí. Thống kê từ Ban ATGT thành phố cho biết: từ ngày 16-12-2014 đến ngày 15-1-2015 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 14 người; so với tháng 12-2014 tăng 4 vụ, tăng 5 người chết và tăng 3 người bị thương. Còn so với cùng kỳ năm trước thì tăng 1 vụ TNGT, tăng 5 người chết và bị thương cũng tăng 2 người.

Điều gì đang xảy ra một cách trái chiều trên lĩnh vực này thì cần có nghiên cứu kỹ, tuy nhiên qua những phát biểu của người trong  cuộc tại Hội nghị triển khai công tác an toàn giao thông 2015 mới được tổ chức thì cũng hiểu được phần nào.

Theo đại diện Phòng CSGT thành phố, trong năm 2014, lực lượng CSGT xử phạt 150 trường hợp vi phạm về lỗi nồng độ cồn, thế nhưng chỉ trong nửa tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 này đã xử phạt 120 trường hợp. Với những ai một lần tận mắt thấy lực lượng chức năng xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn thì mới thấy con số này là ý nghĩa như thế nào.

Bởi lẽ, xử lý một người vi phạm bình thường tương đối đơn giản, nhưng xử lý một “ma men” thì vô cùng vất vả. Với những “ma men” này thì chỉ riêng lực lượng CSGT là không thể xử lý nổi mà cần có sự hỗ trợ của Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113 và cả Công an địa phương.

Chưa hết, trong suốt quá trình xử lý phải có người ghi hình toàn bộ lại quá trình này để “làm chứng”, vì những “ma men” này gần như không làm chủ được hành vi của mình. Rắc rối của “ma men”, từ việc đem luật giao thông ra nói chuyện, đến năn nỉ, khóc lóc, quậy tưng, thậm chí có trường hợp lăn đùng ra... ngủ.

Còn đại diện Ban An toàn giao thông quận Liên Chiểu, địa phương được đánh giá có nhiều sáng kiến hay trong việc tuyên truyền và kiềm chế TNGT, cũng thừa nhận bó tay với đối tượng này. Vị này cho biết, chỉ trong hơn nửa tháng 1-2015, trên địa bàn quận đã xảy chục vụ TNGT làm chết 8 người, nguyên nhân chủ yếu do say xỉn quá không làm chủ tốc độ. Đặc biệt, các vụ TNGT này hầu hết đều xảy ra vào thời điểm từ 0 giờ đến 1-2 giờ sáng, khi người bị tai nạn đã say bí tỉ.

Cuối năm bao giờ cũng là mùa “cao điểm” của ăn nhậu với đủ lý do như tổng kết cơ quan, tất niên, cúng xóm... Vì vậy, đây cũng là thời điểm có nhiều người uống rượu say xỉn nhất, dẫn đến hệ quả là TNGT dễ xảy ra nhất. Giá như những người tham gia các hoạt động hiếu hỉ dịp cuối năm biết giữ mình một chút, để cuộc vui được trọn vẹn, và đặc biệt là để  người thân  không phải thấp thỏm ngồi chờ những “ma men” của mình mỗi khi “chinh chiến” ở các buổi tiệc cuối năm.

THANH SƠN
 

.