Thời sự và bàn luận

Giảm nghèo bền vững

07:56, 23/01/2015 (GMT+7)

Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, năm 2014, ngành đã giải quyết việc làm cho 31.150 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4,3%; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 36,6 tỷ đồng với 1.833 dự án, thu hút hơn 2.100 lao động và tuyển sinh đào tạo nghề cho 44.633 người với 91 nghề. Toàn thành phố Đà Nẵng đã có hơn 8.500 hộ thoát nghèo, trong đó 1.575 hộ thoát khỏi hộ đặc biệt nghèo...

Cần có những thẩm tra căn bản để xem những con số đó chính xác đến đâu và hiệu quả thực tế ra sao. Nhưng trước hết, chuyện nghèo của người dân là vấn đề xã hội sâu rộng, là nguyên nhân và hậu quả của nhiều vấn nạn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ nghèo không chỉ là trách nhiệm của một cơ quan tham mưu cấp sở nặng về quản lý hành chính.

Một nhà báo nước ngoài trước đây đến Đà Nẵng đã nói rằng, cứ nhìn các quán cà-phê dọc đường, nơi mà thanh niên ngồi khá đông ngay trong giờ làm việc, cũng đủ thấy mức độ thất nghiệp nghiêm trọng. Điều này liên quan đến công tác đào tạo, trong đó đào tạo nghề cho thanh niên đang là câu chuyện thời sự.

Con số tuyển sinh vào các trường nghề tuy đông nhưng con số không tìm được việc làm cũng đáng lo ngại bởi đào tạo không đúng với nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, tức là cung không đáp ứng được nhu cầu mà thị trường đang cần. Trường dạy nghề được định khung, trang bị học cụ, giáo viên sẵn nên không theo kịp nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư. Nhiều ngành nghề mới phải do chính cơ sở tự đào tạo. Đó là những ví dụ khá sinh động lâu nay.

Một người bạn của tôi ở nước ngoài về, muốn mở một cơ sở làm móng tay, móng chân thì không tìm được thợ (nam và nữ) có bằng cấp, nghĩa là được đào tạo bài bản. Các siêu thị ở Đà Nẵng tuyển nhân viên bán hàng rất đông, nhưng các trường dạy nghề có đào tạo ngành này đâu! Nói vậy để thấy đào tạo nghề cần được đổi mới theo hướng thỏa mãn yêu cầu của người học hơn là cơ chế có sẵn!

Người nghèo tuổi trung niên phần lớn thuộc “đội ngũ” buôn gánh bán bưng, bán hàng ở vỉa hè, bán hàng dạo. Chỗ kiếm sống của họ không ổn định, lại gây mất mỹ quan đô thị, dễ diễn ra cảnh chèo kéo khách. Chúng ta chưa có những khu chợ ẩm thực cho mượn mặt bằng miễn phí và ưu tiên miễn thuế tại các khu đô thị mới hoặc các chợ đêm để hỗ trợ họ như các nước trong khu vực đã làm.

Các nơi này cũng cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ về các biện pháp an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, môi trường, điện năng… chứ không chỉ là những vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH. Tôi cũng chưa thấy các phường, xã có các điều tra cơ bản về các thành phần này trên mỗi địa bàn để có những đề suất căn cơ cho thành phố.

Người nghèo đi giúp việc ở các nhà hàng, tiệm ăn; dọn vệ sinh theo thời vụ ở các công trường xây dựng; sửa chữa xe đạp, xe máy dọc đường; đi xe ôm… cũng là một thành phần không nhỏ ở Đà Nẵng. Ít nhất cần thống kê và mô tả được các hoàn cảnh này trên từng địa bàn dân cư và nơi họ làm việc để có sự tư vấn, giúp đỡ. Chẳng hạn, chủ nhà hàng phải có hợp đồng và tuân thủ mức lương tối thiểu, bảo hiểm tai nạn, y tế cần thiết cho người giúp việc thường xuyên từ 3 tháng trở lên. Người sửa xe được giới thiệu làm việc tương thích ở các salon xe máy, gara ô-tô. Thành lập các tổ xe ôm theo từng phường, đường phố để tránh cảnh giành giật khách, “chặt chém” về giá cả …

Để năm 2015 Đà Nẵng giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ nghèo như cam kết của lãnh đạo thành phố, thì đó là tổng hợp rất nhiều biện pháp, cách tiếp cận và không chỉ là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH. Các biện pháp đa diện nhưng không nên manh mún để tạo ra “cái cần câu” ổn định cho người nghèo vẫn là một cách làm cần được tổ chức xuyên suốt.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.