Thời sự và bàn luận
Tầm nhìn cho tỷ giá
Tính đến cuối tháng 7-2015, tỷ giá VNĐ vẫn duy trì được trạng thái khá ổn định, ít nhất là về mặt tâm lý, với cam kết được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định nhiều lần về chủ trương kiềm chế sự biến động trong phạm vi +/-2%, cho dù kể từ ngày 7-5 đã chính thức xài hết “room” cho phép.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 8, mọi thứ trở nên đảo lộn bất ngờ khi chỉ trong vòng một tuần lễ, từ 12 đến 19-8, NHNN đã liên tiếp phá giá VNĐ bằng động tác kép, vừa nới biên độ, vừa nâng tỷ giá điều hành, tổng cộng mức phá giá cả năm vọt lên đến 5%. Đây là kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự báo, được lý giải bởi lý do Trung Quốc đang chủ động giảm giá mạnh đồng Nhân dân tệ, đồng thời NHNN cũng muốn “đón đầu” các tác động bất lợi của khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian đến.
Ngay lập tức, thị trường tiền tệ đã có sự phản ứng nhanh chóng. Tỷ giá niêm yết mua/bán chính thức ở các NHTM đã vọt lên gần mức trần 22.547 đồng, tăng 1.116 đồng so với đầu năm, kéo theo giá vàng chao đảo mạnh, cũng không có gì bảo đảm rằng mặt bằng lãi suất VNĐ trong thời gian đến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định như trước.
Một đặc thù khá lạ lùng về tỷ giá ở nước ta đó là tình trạng “té nước theo mưa”: một khi tỷ giá điều hành tăng thì dường như tỷ giá mua bán cũng biến động tăng theo ở mức kịch trần. Thậm chí nhiều khi nhà điều hành (ngân hàng Trung ương) không thể “chủ động dẫn dắt thị trường” mà phải bị động chạy theo thị trường tự do. Điều này đồng nghĩa với việc “bản chất thị trường” của tỷ giá VNĐ vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải xử lý cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Về lý thuyết, nhà xuất khẩu trong nước luôn hưởng lợi khi đồng bản tệ bị phá giá, trong khi nhà nhập khẩu lại gánh chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, nếu xét đến thực trạng nợ công bằng USD ở nước ta có xu hướng ngày càng cao, hiện tượng “xuất thô/nhập tinh” còn kéo dài, năng lực xuất siêu bị hạn chế, thì rõ ràng “cái giá phải trả” của phá giá tiền tệ là rất đáng kể.
Đây không hẳn là thượng sách mà thực ra chỉ là chiến thuật vượt khó tạm thời do không còn sự lựa chọn nào khác. Sự kiện phá giá tiền tệ dồn dập ở một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, một lần nữa cho thấy thế lực mạnh mẽ của quan hệ cung cầu thị trường và sự thao túng tất yếu của các “đồng tiền lớn” như USD/EURO/CNY...
Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thế lực này ngày càng trở nên khó lường đoán, không dễ dàng ứng phó nếu chúng ta không chủ động thay đổi mô hình quản lý tỷ giá theo định hướng mềm dẻo, linh hoạt, mang đậm “chất thị trường” nhiều hơn. Nếu vẫn tiếp tục duy trì mô hình quản lý tỷ giá có kiểm soát cứng nhắc như hiện nay, NHNN chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều lúng túng.
Suy cho cùng, lá chắn an toàn cho tỷ giá từ trước đến nay luôn gắn chặt với nội lực thực sự của nền kinh tế, bởi vậy vấn đề đáng quan tâm không phải là tỷ giá biến động lên hay xuống mà quan trọng hơn là những hệ quả dẫn đến được hóa giải theo hướng nào, tiêu cực hoặc tích cực!
TÂM DÂN