Thời sự và bàn luận

Giảm biên chế, tăng niềm tin

07:57, 24/07/2015 (GMT+7)

Câu chuyện tinh giản biên chế từ lâu đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, chưa bao giờ lại trở nên nóng bỏng, cấp bách như hiện nay.

Phải chăng, bộ máy chính quyền các cấp đang ngày càng phình ra, nhưng sai phạm trong quản lý, điều hành vẫn xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nguy hiểm; vì thế việc tinh giản bộ máy hành chính các cấp hiện nay là bước đi cần thiết để giúp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, củng cố, xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay, người đứng đầu tổ chức hay cơ quan quản lý nhân sự vẫn chưa quán triệt hết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về vị trí con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sự buông lỏng trong quản lý, cả nể trong tuyển dụng đã dẫn đến số lượng lao động được tuyển dụng luôn vượt các chỉ tiêu được giao.

Việc tổ chức bộ máy của một số đơn vị quá cồng kềnh, nhiều đầu mối nên dẫn đến sự trùng lặp về mặt chức năng, nhiệm vụ. Điều đó dẫn đến thực trạng là dù đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa  bảo đảm yêu cầu.

Tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không phải là hiếm trong bộ máy hành chính các cấp. Việc ngân sách Nhà nước phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động vì thế cũng không ngừng tăng lên, trong khi tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu liên tục xảy ra, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân thì không đúng hẹn...

Tổ chức bộ máy chính quyền chồng chéo, cồng kềnh không phải là câu chuyện chưa từng xảy ra tại Đà Nẵng. Đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố quyết định giải thể 69 ban chỉ đạo và 12 tổ chức phối hợp liên ngành trên địa bàn thành phố; trong số này có những hội đồng chỉ mang tính hình thức, hội họp là chính, không chuyên sâu về chuyên môn.

Hay như mới đây, tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII khi nói về việc báo cáo thiếu, không chính xác hơn 1.700 lô đất, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chính sự chồng chéo giữa tham mưu và quyết định của nhiều đơn vị đã dẫn đến sai sót trên.

Trong những năm qua, chính quyền thành phố đã không ngừng thực hiện nhiều đề án đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có rất nhiều người dù được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp. Nguyên nhân là bởi các đơn vị tiếp nhận... không cần người, thậm chí đang dư thừa lao động! Người được đào tạo bài bản không được bố trí đúng chỗ sẽ là một sự lãng phí lớn, không chỉ đối với ngân sách mà còn là sự lãng phí về nguồn lực, trí tuệ, sự cống hiến...

Đề án tinh giản biên chế đã được Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành bằng các nghị quyết với lộ trình cụ thể. Thành ủy, UBND thành phố xây dựng các kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ mang tính cấp bách. Tuy nhiên, để bộ máy hành chính được gọn nhẹ, việc tinh giản biên chế có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhân sự… với sự công tâm, minh bạch trong tuyển dụng và tinh giản biên chế; qua đó khai thác hiệu quả năng suất làm việc của người lao động, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

PHAN CHUNG

.