Thời sự và bàn luận

Quy hoạch và chất lượng sống

08:04, 30/07/2015 (GMT+7)

Gộp lại hai thông tin: Cảnh báo về quy hoạch xây dựng ven sông Hàn và đánh giá của Ngân hàng Thế giới mới đây về sự chững lại của chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong khi GDP vẫn tăng…, khiến tôi nhớ lại cuộc trao đổi mới đây với kiến trúc sư (KTS) danh tiếng người Mỹ, Dan Ringelstein.

Dan Ringelstein từng học tại các đại học Harvard, MIT và hiện là người đứng đầu bộ phận quy hoạch và thiết kế đô thị châu Âu của Công ty Quy hoạch-kiến trúc Skidmore Owing &Merill. Ông từng đoạt các giải thưởng kiến trúc danh giá tại Chicago, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ...

Nhiều công trình quy hoạch thiết kế tại các thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), Trung tâm tài chính London (Anh), East Park (Dubai) - vốn có những đặc điểm tự nhiên na ná Đà Nẵng, do ông phụ trách được đánh giá cao trong vài năm lại đây. Các công trình nghiên cứu của KTS Dan bao giờ cũng đặt mối quan tâm trên các yếu tố tự nhiên của từng vùng, tạo ra một môi trường chung tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố quy hoạch, thiết kế đô thị, hạ tầng và kiến trúc. Tại Đà Nẵng, Dan Ringelstein và các cộng sự vừa hoàn tất dự án quy hoạch và thiết kế đô thị - công nghệ FPT và từng được vài cơ quan hữu trách mời góp ý về thiết kế cảnh quan cho một số con đường chính trong thành phố và tôi hân hạnh được ông chia sẻ nhiều ý kiến.

Dan Ringelstein cho rằng Đà Nẵng là một đô thị trẻ, sống động và có hai tài sản lớn, đó là các khu vực “sát mặt nước” tồn tại trong một tổng thể cảnh quan núi-đồi-sông-biển. Do vậy, phát triển như thế nào trong mối tương quan khu vực và tự thân mà vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên, cũng như bảo vệ những nét đặc thù sông-biển là điều hết sức quan trọng đối với các nhà quy hoạch và quản lý.

Sông Hàn với ông, không chỉ là cảnh quan, là dòng chảy ở hạ lưu của một hệ thống sông rộng lớn của cả vùng, còn là một trục cảnh quan mà bất cứ nhà quy hoạch nào cũng cần tính đến bằng sự nâng niu về cả chuyên môn lẫn tình cảm. “Đừng bắt thiên nhiên đánh mất đi những giá trị tự thân của nó vì những mục đích nhất thời…”, Dan nói. Đặc biệt, bảo vệ cho được những giá trị cốt lõi về tự nhiên trong quá trình hiện đại hóa và lan tỏa của Đà Nẵng với vai trò một đô thị động lực của khu vực miền Trung cần được các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách đặt lên hàng đầu.

Đối với bán đảo Sơn Trà, theo Dan Ringelstein, đó là sự kỳ diệu và độc đáo mà thiên nhiên dành cho thành phố này. Cho nên, trong quá trình phát triển cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối trong việc xây dựng các cơ sở dịch vụ, hạ tầng tại khu vực chân núi và tuyệt đối phải bảo vệ cho được diện tích của thảm thực-động vật đa dạng và quý hiếm này. “Tôi nghe nói Sơn Trà được ví như lá phổi xanh của thành phố, quả là điều đó không sai chút nào.

Nhưng đừng để cho nó bị ho hen, bị nám vì thiếu cân nhắc trong quy hoạch phát triển. Vì sức khỏe của lá phổi ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của cơ thể...”, Dan nhấn mạnh một cách ví von. Có một nơi ở Nhật, là đảo Naoshima, theo Dan, có những nét hao hao như Sơn Trà, cần được Đà Nẵng nghiên cứu: “Tôi cho rằng các bạn đã xây dựng quá nhiều khu nghỉ mát, nhà hàng ở các sườn núi Sơn Trà. Tại sao ở đó không xây dựng một trường đại học gần khu công nghiệp thủy sản? Tại sao không xây dựng ở đó một công viên quốc gia kết hợp với du lịch sinh thái? Đà Nẵng còn nhiều nơi có thể khai thác trước khi nghĩ đến Sơn Trà. Cần coi Sơn Trà như một gia sản với khả năng bảo tồn động vật quý hiếm và nghiên cứu lâm sinh...”.

Ông kết luận: “Cần tránh những sai lầm đáng tiếc trong quy hoạch đô thị và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra chất lượng sống cao hơn những đô thị khác, đó chính là điều Đà Nẵng có thể làm ngay từ bây giờ để tạo ra sự khác biệt và nâng cao giá trị của thành phố...”.

Thật vậy, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển hay đầu tư vào một dự án, nói chung cần tránh những nhầm lẫn hay sai sót vì chủ quan. Những sai sót hay nhầm lẫn đó sẽ gây ra những thiệt hại không chỉ bằng tiền hay có thể thấy ngay được, nó còn tác động sâu xa đến chất lượng sống của cộng đồng.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.