.

Dân chủ và đổi mới

.

“Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề phát huy dân chủ XHCN như vậy trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Nhìn nhận về vấn đề dân chủ và mở rộng dân chủ trong Đảng cũng như trong xã hội, có thể nói, từ Đại hội XI đến Đại hội XII của Đảng, đã có một bước tiến đáng kể. Với việc đặt “dân chủ” lên trước “công bằng”, “văn minh” trong mục tiêu phấn đấu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đại hội XI đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để từ đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa thành những chính sách, pháp luật mới, bảo đảm ngày càng nâng cao tính dân chủ.

Đó là việc ban hành và thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng; tăng cường đối thoại giữa chính quyền - nhất là người đứng đầu, với nhân dân… Đặc biệt là việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và các quyết định số 217, 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được pháp luật hóa ở mức cao nhất… Đó là những bước tiến quan trọng trong nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng về phát huy dân chủ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm.

Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Chính vì vậy, để phục vụ cho quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện của Đảng, của đất nước, một vấn đề quan trọng được Đại hội XII của Đảng đề cập và coi trọng, đó chính là tiếp tục đưa tinh thần dân chủ lên tầm cao mới với việc thực hiện dân chủ “đầy đủ và nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, những giải pháp mới đã được dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu lên; trong đó báo cáo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày nêu rõ rằng: Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Trong bối cảnh hội nhập và đổi mới diễn ra ngày càng mạnh mẽ, toàn diện, yêu cầu về dân chủ cũng phải được đặt lên ngang tầm; nhất là dân chủ phải thực chất để phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân; để từ đó thực hiện tốt quan điểm mới Đại hội XII nêu lên là “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân”, trong đó có cả việc “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”.

Trong thực hiện đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện, yêu cầu ngày càng phát huy dân chủ là bức thiết; đồng thời dân chủ chính là một phần động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, theo đúng định hướng của Đảng và xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Vì vậy, trước vấn đề dân chủ được đưa ra tại Đại hội XII của Đảng, người dân mong muốn và tin tưởng dân chủ sẽ ngày càng được phát huy một cách thực chất; để từ đó mọi người dân có cơ hội đóng góp nguồn lực và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với đất nước một cách cụ thể và hiệu quả hơn!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.