Thời sự và bàn luận
APEC và vấn đề nguồn lực con người
APEC là diễn đàn chủ yếu bàn về hợp tác kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng với APEC 2017, các nền kinh tế khu vực lại dành nhiều ưu tiên cho vấn đề về nguồn lực con người. Bên cạnh lý do nhân loại ngày càng quan tâm đến tính nhân văn trong chuỗi giá trị toàn cầu, còn có một lý do khác, đó là, các nền kinh tế đều bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghệ mới, còn gọi công nghệ 4.0.
Theo các nhà khoa học đúc kết, trải qua 3 cuộc cách mạng về công nghệ, đến lần này, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0) dựa trên nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Vì thế, việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật trong kỷ nguyên số trở thành mối quan tâm đặc biệt của APEC 2017, nhằm mục đích tận dụng và phát huy tối đa những thành quả sáng tạo mới của con người để tạo ra sự thay đổi căn bản về phương thức sản xuất của chính con người.
Trong chuỗi các hoạt động quan trọng tiến tới Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào đầu tháng 11 sắp tới, ngay từ tháng 5-2017, tại Thủ đô Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2), đã diễn ra diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Thông tin từ hội nghị cho biết, tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều nhận thấy đang đối mặt những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số. Riêng đối với lĩnh vực đào tạo, các đại biểu nhận thấy cần có sự hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC hiểu rõ hơn về tác động của kỷ nguyên số và yêu cầu cao đối với việc giáo dục những kỹ năng cần thiết nhằm ứng phó với nền kinh tế hiện đại.
Đối với Việt Nam, chủ đề chung của APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, thực chất trong đó đã hàm chứa một nhận thức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Có thể nói trong 4 ưu tiên lớn mà APEC 2017 lần này đưa ra, như vấn đề “thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, vấn đề “nâng cao năng lực cạnh tranh” trong các nền kinh tế, vấn đề nhu cầu “sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số”... đều dường như luôn có mặt của nhân tố con người.
Có sự trùng hợp chăng, khi thành phố Đà Nẵng chúng ta - địa điểm đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - cũng là địa phương khởi đầu khá sớm chủ trương đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương. Bắt đầu từ năm 2004 thành phố đã triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cấp học bổng để đào tạo bậc đại học trong và ngoài nước cho học sinh xuất sắc của thành phố. Lúc đầu chủ trương này được triển khai cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (gọi tắt là Dự án 151), sau đó được điều chỉnh thành Dự án 32, Đề án 47. Đến năm 2006, thành phố thực hiện Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 393). Qua quá trình bổ sung, điều chỉnh các đề án nêu trên, đến năm 2011 thành phố ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gọi tắt là Đề án 922. Theo tổng kết của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm triển khai, thành phố đã cấp học bổng đào tạo cho hơn 600 lượt người tham gia đào tạo ở bậc đại học và sau đại học trong nước và nước ngoài bằng nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố lên đến hơn 600 tỷ đồng. Hơn một nửa trong số đó đã về nhận công tác. Mặc dù còn một số vấn đề cần giải quyết nhưng hiệu quả của chủ trương đào tạo nhân lực kỹ thuật cao của thành phố đã thấy rõ. Các học viên tham gia các dự án được tiếp thu tri thức mới, trực tiếp tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ ở những trung tâm đào tạo các nước tiên tiến. Chỉ nói riêng trình độ ngoại ngữ, cách đây 10, 15 năm, thật khó hình dung thành phố Đà Nẵng có được một đội ngũ đông đảo cán bộ có thể trực tiếp làm việc bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác với đối tác nước ngoài như hiện nay. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2015, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục ban hành Đề án 13100 về Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 nhằm tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Tất nhiên để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thời kỳ công nghệ 4.0, Việt Nam - trong đó có Đà Nẵng, còn rất nhiều việc phải làm. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11 sắp tới là cơ hội tốt đẹp để tạo thêm động lực trực tiếp, tạo “cú hích” đưa Đà Nẵng đi nhanh hơn vào tốp đầu cả nước trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế kỹ thuật số như một xu hướng không thể đứng ngoài.
NẠI HIÊN