Những ngọn nến không tắt

.

Tháng 7, tháng tri ân các anh hùng, liệt sĩ ngã xuống vì hòa bình và thống nhất đất nước, vì độc lập dân tộc; tháng tri ân những người mẹ, người vợ lần lượt tiễn chồng, con lên đường chiến đấu nhưng rồi họ mãi mãi không trở về hoặc gửi một phần máu xương trên mặt trận…

Những ngày này, hoạt động thắp nến tri ân diễn ra trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ tại thành phố. Từng ngọn nến được thắp sáng bên phần mộ của các anh. Có người có tên, có người chưa xác định được thông tin, nhưng hầu hết đều còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Mỗi phần mộ là một cuộc đời không giống nhau nhưng đều rực cháy khát khao độc lập tự do cho dân tộc, quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Không phải đến tháng 7, hoạt động tri ân mới diễn ra khắp mọi nơi, mà công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được tổ chức thường xuyên, liên tục tại Đà Nẵng. Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định công tác chăm lo cho thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên và lâu dài.

Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của Mặt trận, các hội, đoàn thể và nhân dân thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ngoài thực hiện tốt các chính sách, quy định của Trung ương, thành phố đã ban hành một số chính sách mang tính vượt trội như: trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp thường xuyên cho thương binh, người có công giúp đỡ cách mạng có mức trợ cấp thấp…

Đặc biệt, những năm qua, thành phố triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình người có công trên địa bàn thành phố.

Hơn 7.400 ngôi nhà được hỗ trợ, sửa chữa chỉ trong 5 năm qua đã nói lên sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân và chính quyền thành phố.

Đã có những khó khăn nhất định khi sự thay đổi cán bộ làm công tác chính sách ở một số địa phương khiến công tác này chưa được nắm bắt đầy đủ và kịp thời để bảo đảm chế độ cho người có công. Một số địa phương chậm thực hiện việc rà soát, xác minh, giải quyết dứt điểm những trường hợp có công với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến nhưng không còn hồ sơ gốc theo quy định….

Thế nhưng, trên tất cả vẫn là quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra, để người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương.

Tháng 7 này, đã có nhiều cuộc hội ngộ đầy xúc động của các cựu chiến binh được tổ chức tại Đà Nẵng. Những câu chuyện của các chứng nhân lịch sử vẫn thấm thía giá trị của hòa bình. Họ nằm trong số hàng triệu người con đất Việt đã nếm trải nỗi đau chiến tranh, đã bỏ lại tuổi xuân và một phần máu thịt nơi chiến trường để có nền hòa bình như ngày hôm nay.

Thế nhưng, con đường xây dựng một nền hòa bình bền vững và đất nước thịnh vượng, dân tộc phồn vinh vẫn còn lắm chông gai. Trọng trách đó được giao cho thế hệ trẻ, những chủ nhân của đất nước. Đó không chỉ là hành động thắp nến tri ân hằng tháng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Đó cần là việc thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, trau dồi trí tuệ để bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời bình, thắp sáng ngọn nến của hòa bình, lòng tự hào dân tộc mãi muôn đời.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.