Bức tường thành trong 'tâm bão'

.

Lại một lần nữa Đà Nẵng đứng trước thử thách và phải xử lý, vượt qua dịch Covid-19 một cách nhanh nhất. Bởi chỉ cần chậm trễ, đôi khi thời gian được tính bằng phút, cũng khiến người dân gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trong tình huống “căng như dây đàn” ấy, hình ảnh “thiên thần blouse trắng” lại xuất hiện và khẳng định sứ mệnh mà họ đảm nhận bấy lâu nay.

Cả cộng đồng mạng đã rưng rưng xúc động khi nhìn hình ảnh ê-kip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) trong trang phục bảo hộ, nghiêng người bước đi như chạy, vội vã tiến vào Bệnh viện Đà Nẵng - nơi số ca nhiễm Covid-19 liên tục được ghi nhận mỗi ngày. Họ bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ, sẵn sàng chi viện cho Đà Nẵng khi tình hình dịch bệnh được cảnh báo có thể bùng phát và lan rộng. Sự chia sẻ, tiếp sức kịp thời từ các địa phương, từ 2 đầu đất nước đã tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng đứng vững, nhìn rõ một cách toàn diện về tình hình dịch bệnh đang diễn ra.

Từ khi ca bệnh 416 được công bố (ngày 25-7), cán bộ, nhân viên y tế Đà Nẵng đã không có phút nghỉ ngơi. Hàng chục bệnh nhân Covid-19 liên tục được ghi nhận trong những ngày qua, đồng nghĩa với việc điều trị, cách ly, điều tra dịch tễ, xét nghiệm... đè nặng lên vai của những nhân viên blouse trắng. Đã có những nhân viên y tế kiệt sức; có người đã đổ bệnh, lây nhiễm Covid-19 và phải điều trị cách ly. Một bầu không khí căng thẳng, nguy cấp bao trùm khiến bước chân của các nhân viên y tế trở nên vội vã, gấp gáp hơn.

Căng thẳng, áp lực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng đằng sau những đôi mắt ấy vẫn là sự kiên định, lạc quan. Đêm trong Bệnh viện Đà Nẵng, nơi được phong tỏa từ 0 giờ ngày 28-7, những dòng tin nhắn của các y, bác sĩ vẫn được gửi đều ra thế giới bên ngoài với một tinh thần quyết tâm nhất. “Mọi người ơi cố lên”, “Yên tâm nhé, chúng tôi ổn cả”, “Bình tĩnh, tất cả sẽ qua thôi”, “Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”... Dù ở hoàn cảnh nào, chút năng lượng tích cực, niềm tin trong cuộc sống họ lại dành để động viên, trấn an những người đang hoang mang bên ngoài. Dẫu biết rằng, đằng sau những dòng cảm xúc ấy là người mẹ phải xa con thơ khi mới 2 tháng tuổi, ngực căng tức mỗi khi “sữa về”; là giọt nước mắt lặng thầm nuốt ngược vào trong khi không kịp về chịu tang bố; là nỗi lo con nhỏ, mẹ già có xoay xở được không khi “2 vợ chồng cùng bị cách ly”...

Đêm, khi thành phố chìm vào giấc ngủ thì ở những điểm chốt chặn, các khu vực cách ly, những địa điểm phong tỏa, các chiến sĩ công an, dân phòng, lực lượng y tế, quân đội, tình nguyện viên vẫn thức cùng những ánh đèn vàng trên phố. Họ cẩn trọng, sàng lọc kỹ lưỡng cũng như bảo đảm các hoạt động phòng, chống dịch được diễn ra theo đúng quy định. Hằng đêm, bước chân của các y, bác sĩ bên trong bệnh viện vẫn không dừng lại, vội vã theo từng nhịp thở, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mọi hoạt động dường như chậm lại, chỉ duy nhất những bước chân của họ nhanh hơn, gấp gáp hơn để cố tìm lại bình yên như vốn có cho thành phố này.

Nếu ví Việt Nam như một tuyến đê trên bộ, việc xuất hiện các ca mắc Covid-19 là chỗ “rò rỉ” như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thì việc bịt lại các chỗ “rò rỉ” ấy phải dựa vào bức tường thành mang tên blouse trắng. Bức tường thành ấy, là lòng trắc ẩn, là tình thương, trách nhiệm. Họ vững chãi bước lên phía trước, vượt qua hiểm nguy, vượt qua những lo toan thường nhật, những băn khoăn, bề bộn để đẩy lùi dịch bệnh về phía sau.

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.