Với tinh thần tập trung ứng phó quyết liệt với bão số 9 của cả hệ thống chính trị, tính đến sáng 29-10, thành phố có 6 người bị thương nhẹ và hơn 500 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Cùng với đó, có hơn 2.900 cây xanh bị ngã đổ và nhiều cành, nhánh cây bị gãy. Đây là mức thiệt hại thấp so với một cơn bão mạnh và thời gian gió mạnh kéo dài trên địa bàn thành phố đến 24 giờ.
Điều này cho thấy sự chủ động của các cấp lãnh đạo, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc ứng phó với các cơn bão trong thời gian qua. Sự chủ động trong việc ứng phó với cơn bão số 9 này cần được phát huy trong thời gian đến, nhất là các mùa mưa bão trong năm nay và những năm đến.
Việc thành phố tiến hành thực hiện sơ tán hơn 103.000 người, nhất là công nhân, sinh viên, hộ nghèo sống trong các căn nhà không bảo đảm an toàn trong bão đến nơi trú ẩn an toàn là một con số “lịch sử”. Bởi kế hoạch sơ tán đã được chính quyền thành phố xây dựng kỹ lưỡng theo phương án ứng phó với các kịch bản thiên tai, trong đó nếu là siêu bão cũng chỉ sơ tán đến 52.180 người.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã rà soát, sơ tán hơn 91.000 người đến nơi trú ẩn an toàn, đạt 175% so với hoạch, song các địa phương vẫn chưa yên tâm; đồng thời tiếp tục rà soát và sơ tán thêm 12.000 người nữa trong gió bão mạnh. Nhiều nơi, chính quyền địa phương huy động các xe ô-tô chở khách đến đón tận nhà đưa người đi sơ tán tại các điểm tập trung, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Thậm chí, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố còn “lệnh” cho lãnh đạo các địa phương sẵn sàng cưỡng chế nếu không chấp hành sơ tán và xử lý hình sự đối với các chủ sử dụng lao động nếu giữ người lao động trông coi các lồng bè thủy sản... Chính việc nhiều người ở nơi không an toàn được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn đã giúp bài toán giảm thiểu thiệt hại được giải quyết phần nào.
UBND thành phố cũng đã chủ động ban hành “lệnh cấm đường” từ 20 giờ 27-10, cùng với đó là tiến hành làm rào chắn tại các cầu Thuận Phước, Sông Hàn... và các đoạn đường có gió hút mạnh để bảo đảm an toàn cho người dân. Học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công nhân... được nghỉ làm, nghỉ học trong ngày bão. Hạn chế đi lại trên đường phố trong ngày có bão cũng là một biện pháp giảm thiểu tối đa tai nạn do va phải cây cối, biển hiệu quảng cáo, vật dụng ngã đổ, tôn bay...
Các biện pháp nói trên được thực hiện thành công là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, giám sát của thành viên của các đoàn kiểm tra. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố liên tục đi kiểm tra thực tế các địa phương để chỉ đạo khắc phục, triển khai ngay các biện pháp ứng phó kịp thời.
Điều này đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 9 ngày 26-10: “Bài học thực tiễn từ công tác phòng chống Covid-19 cho thấy, nếu không tăng cường kiểm tra thực hiện và chỉ triển khai các biện pháp ứng phó bằng các văn bản, giấy tờ thì không bao giờ đạt được hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành phải thành lập tổ kiểm tra việc triển khai ứng phó với bão. Đặc biệt, phải kiểm tra nơi sơ tán dân đến thật sự an toàn cho dân trú ẩn, bảo đảm vừa chống được gió mạnh, vừa chống được lũ lụt. Đồng thời, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở đất, không được chủ quan. Kiểm tra thật kỹ, không cho người dân, công nhân ở trong các khu lán trại tạm ở các công trình đang xây dựng đang thi công. UBND thành phố phải có lệnh nghiêm cấm người dân, người không có nhiệm vụ và phương tiện không có nhiệm vụ lưu thông trên các tuyến đường vào tối 27-10 để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân”.
Trong 20 năm qua, thành phố và nhân dân thành phố đã cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa khang trang, hiện đại có độ an toàn cao. Nhiều khu vực vốn ngập lũ, thậm chí là ngập lũ sâu đã trở thành khu đô thị, khu dân cư khang trang. Những khu vực còn ảnh hưởng bởi ngập lũ cũng đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch để khớp nối hạ tầng, di dời giải tỏa, xây dựng những khu dân cư cao ráo... để an toàn hơn cho người dân trong mỗi mùa bão lũ. Ngay trong sáng 29-10, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra kỹ những điểm có nguy cơ sạt lở đất và thành phố sẵn sàng chi tiền để cắt gọt những quả đồi, thi công giải pháp chống sạt lở, di dời người dân ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng từ khoảng cách rất xa.
Với những giải pháp được triển khai quyết liệt và thành quả nói trên những thiệt hại về tính mạng, tài sản nhân dân do thiên tai được hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố luôn nhấn mạnh rằng, người dân thành phố không được chủ quan, nhất là trong thời điểm sau bão như: không đi đánh bắt cá, vớt củi... khi lũ về để tránh thiệt hại đáng tiếc về tính mạng, tài sản sau bão.
HOÀNG HIỆP