Nhằm hạn chế người dân ra đường để thực hiện công tác phòng, chống Covid-19, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện kiểm soát ra đường thông qua giấy đi đường. Xung quanh vấn đề này đã có nhiều dư luận trái chiều, phản ánh về những bất cập, thay đổi trong việc triển khai.
Trước hết, cần khẳng định việc triển khai giấy đi đường là một yêu cầu hết sức cần thiết trong thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống Covid-19. Mỗi một người dân ra đường với giấy đi đường được cấp, xác nhận để chứng minh người được cấp, được phép di chuyển trên đường, đồng thời giúp cho các lực lượng chức năng bảo đảm kiểm soát người ra đường trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước thành phố Đà Nẵng, một loạt địa phương đã triển khai kiểm soát người ra đường bằng giấy đi đường như Thành phố Hà Nội, Đồng Nai, Bạc Liêu, Cà Mau,…trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Đây cũng là thời gian vàng để thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch.
Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố với những biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16, với mục tiêu khoanh vùng, sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Chủ trương triển khai kiểm soát, hạn chế người ra đường bằng giấy đi đường là một trong những biện pháp cụ thể để triển khai Chỉ thị 05/CT-UBND nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Tất cả để hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết. Trong thực tiễn quản lý Nhà nước, các chủ trương, chính sách ban hành, nhất là trong tình trạng cấp bách và đặc biệt có liên quan đến nhiều chủ thể, không thể nào tránh khỏi một số vướng mắc nhất định, cũng như dự liệu hết những tình huống trong cuộc sống để bịt hết các “lỗ hổng”.
Thực tế cho thấy, trong những ngày đầu tiên triển khai giấy đi đường, đã có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để lập giấy đi đường khống, cấp cho những người không phải là nhân viên của công ty. Qua thống kê, hiện nay, Công an thành phố đã thu hồi hàng ngàn giấy đi đường sai quy định, các địa phương xử phạt hàng loạt cá nhân, tổ chức về hành vi ra đường thuộc diện không cần thiết; không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch…
Trong công tác quản lý Nhà nước, các chính sách, chủ trương được ban hành sau một thời gian thực hiện đều phải có sự đánh giá, thu thập các ý kiến phản hồi, góp ý của tổ chức, cá nhân để xem xét điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu quản lý cao nhất. Do đó, việc điều chỉnh giấy đi đường bám sát với thực tế quản lý của thành phố là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố vào ngày 3-8, Chủ tịch UBND thành phố giao các đơn vị khẩn trương điều chỉnh mẫu giấy đi đường, cùng với đó sớm hoàn thành phần mềm kiểm soát. Đồng thời, yêu cầu các địa phương quản lý chặt việc cấp giấy đi đường cho nhân dân thông qua các tổ dân phố, Công an thành phố tăng cường kiểm tra giấy đi đường do doanh nghiệp ban hành, xử lý nghiêm những trường hợp không đúng quy định.
Trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các lực lượng ở cơ sở chủ động xử lý những tình huống phát sinh trong thẩm quyền, không quá máy móc mà cần xử lý linh động đối với những trường hợp bức thiết của người dân. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngay trong sáng 6-8, Công an thành phố đã có văn bản hướng dẫn về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp người dân ra ngoài khi không cần thiết, quy định rõ các trường hợp được qua chốt, triển khai đến các chốt kiểm soát dịch trong nội thành.
Thành phố có sớm trở lại trạng thái bình thường hay không, phần lớn tùy thuộc ý thức chấp hành từ mỗi người dân, doanh nghiệp. Mong rằng tất cả hãy cùng chung tay vượt qua khó khăn, đồng lòng cùng chính quyền thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần ổn định.
HOÀNG PHAN