Thời sự và bàn luận
Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam
Ngày 24-11, hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được kỳ vọng sẽ xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, tiếp nối khát vọng được đặt ra từ hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 75 năm trước, đó là việc xác định nguồn lực văn hóa, con người. Trong đó con người là chủ thể quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ lớn được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và được đưa vào nội dung của hội nghị, qua đó khơi dậy khát vọng dân tộc, huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mỗi người dân.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Người Việt Nam có các chuẩn mực giá trị văn hóa được đúc rút qua nhiều thời kỳ lịch sử, trở thành văn hóa bền vững trong nhân cách, lối sống, gồm có: lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ngoài ra, mỗi con người cần xây dựng nhân cách, phẩm giá, lương tâm, danh dự, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.
Trong thế kỷ XX, trải qua qua hai cuộc kháng chiến chống đế quốc, bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam đối diện với muôn vàn khó khăn, gian khổ, chung sức đồng lòng trường kỳ kháng chiến giành độc lập, tự do dân tộc; trong giai đoạn đất nước đổi mới phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống vẻ vang của dân tộc, đất nước đạt được những thành quả lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra trên quy mô cả nước, nhân dân ở mỗi xóm làng, khu phố cùng đồng lòng chống dịch, tỉnh này hỗ trợ thành phố kia vượt qua khó khăn. Trên tuyến đầu chống dịch cũng như ở cơ sở, những giá trị tinh thần được sẻ chia, mỗi người biết yêu thương nhau hơn. Có thể nói, khi đất nước gặp biến cố, dù lớn hay nhỏ, mỗi người Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì cộng đồng, vì mong muốn đất nước ổn định và phát triển, hạnh phúc.
Trải qua 35 năm đất nước tiến hành đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được về văn hóa, cũng còn một số tồn tại như không coi trọng lợi ích chung, có tâm lý hưởng thụ trong một bộ phận giới trẻ; điều này cần được chấn chỉnh, khắc phục. Những điểm yếu này trong lĩnh vực văn hóa cần được tháo gỡ, để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam tốt đẹp hơn.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị truyền thống của người Việt Nam cần bổ sung những phẩm chất mới, như tính sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương. Đây chính là nguồn lực tiếp sức cho khát vọng vươn lên của đất nước. Trong đó động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vấn đề này được đề cập trong Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị. Qua đây, Ban Tuyên giáo các cấp, các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về tinh thần yêu nước và ý chí tự lực, tự cường cần có ở mỗi con người Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khát vọng và tầm nhìn của Đảng và nhân dân Việt Nam trong thời đại mới đã được xác định rõ với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước (nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn đạt được các mục tiêu đó, mỗi người Việt Nam đang cố gắng góp sức cùng đất nước xây dựng các hệ giá trị, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.
HOÀNG NHUNG