Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

.

Thời điểm hiện nay, lượng du khách trong và ngoài nước đến thành phố để du lịch, làm việc khá đông. Các hoạt động kinh doanh ăn uống, vui chơi đã sôi động trở lại, vì thế, bên cạnh công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông…, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và du khách là hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay. 

Những năm qua, các cấp, các ngành chức năng thành phố có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, ký kết các chương trình hợp tác tiêu thụ nông sản, thủy sản với các địa phương trong cả nước, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm đầu vào rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng được thường xuyên thực hiện. Sự chấp hành nghiêm túc các quy định an toàn thực phẩm của đa số chủ hàng quán kinh doanh mặt hàng thực phẩm, đồ ăn uống tương đối tốt, nhờ vậy không xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể ở các nhà máy, xí nghiệp, trường học, hàng quán...

Có thể nói, công tác kiểm tra, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã được kiểm soát khá bài bản, quy củ. Trong chương trình “4 an” của thành phố, bên cạnh các nội dung bảm đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an sinh xã hội, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hàng đầu.

Thế nhưng, thi thoảng, trên địa bàn thành phố lại xảy tình trạng ngộ độc thực phẩm, dù quy mô, hậu quả không lớn, nhưng đây vẫn được xem là câu chuyện  đáng báo động. Chẳng hạn như ngày 2-8 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đối với 26 du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh, sau khi những du khách này ăn uống ở một số quán trên địa bàn thành phố. Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiến hành kiểm tra 2 nhà hàng có liên quan.

Trong đó, phát hiện 1 trong 2 nhà hàng có các hành vi vi phạm như: bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị không bảo đảm vệ sinh; không bảo quản riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến chín dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo, đồng thời nhà hàng chưa xuất trình các hồ sơ, giấy tờ pháp lý theo quy định.

Như vậy ở đây cho thấy, việc kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn những kẽ hở, khoảng trống nhất định. Đến khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện các sai sót. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, vì sao những sai sót, vi phạm như trên không được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn ngay từ đầu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Và nguyên nhân khiến nhiều người trong đoàn du khách đến từ Quảng Ninh bị ngộ độc thực phẩm đang được cơ quan chức năng kiểm tra, phân tích, kết luận. Tuy nhiên, vấn đề ở đây, qua kiểm tra ban đầu, 1 trong 2 cơ sở kinh doanh nói trên đã có những vi phạm nhất định trong công tác bảo quản, chế biến thực phẩm, dù chưa hẳn nguyên nhân gây ngộ độc từ những vi phạm này. Nhưng qua đó, cho thấy sự lơ là, chủ quan trong công tác bảo quản, chế biến thực phẩm cần được siết chặt hơn nữa.

Để không còn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm tương tự, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, du khách và môi trường du lịch thành phố, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định, quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình lưu giữ, chế biến thực phẩm. Bởi, dù nguồn cung có an toàn, chất lượng đến mấy, nhưng ý thức giữ gìn, bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt, không  bảo đảm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc vẫn luôn chực chờ, nhất là trong giai đoạn nắng nóng hiện nay.

P.C

;
;
.
.
.
.
.