Thời sự và bàn luận
Đà Nẵng với việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, nhằm tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững.
Trong thời gian qua, đi đôi với việc triển khai quyết liệt các chủ trương cũng như tổ chức việc học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, từng bước ban hành các chính sách, chuẩn bị cho việc đầu tư nguồn lực, Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về thiết kế vi mạch đến năm 2030 có ít nhất khoảng 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đáng chú ý, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, dự kiến sớm được ban hành vào năm 2024, sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.
Nếu nhìn vào tổng thể, với một đô thị đang hướng đến một đầu tàu phát triển, Đà Nẵng hiện có hàng chục trường đại học với hàng trăm ngàn sinh viên từ các địa phương của khu vực miền Trung-Tây Nguyên đến học tập, nghiên cứu, làm việc thì con số nêu trên sẽ không nhiều cho một lĩnh vực vi mạch, bán dẫn đang có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nước cũng như trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực về liên quan đến ngành công nghệ thông tin và ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm ngành công nghệ thông tin và các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…) là khoảng 5.700 sinh viên. Đáng chú ý, ngày 23-3 vừa qua, Đà Nẵng khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các trường đại học trên địa bàn đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín (đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc...) để từng bước nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Một trong những nhân tố quan trọng để có những kỹ sư vi mạch bán dẫn và AI giỏi, có tay nghề cao chính là môi trường để làm việc, nghiên cứu của các chuyên gia và các kỹ sư thực hành trước và sau khi tốt nghiệp.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1 khu công nghệ cao và 3 khu CNTT tập trung. Đà Nẵng cũng đang xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024 Công viên phần mềm số 2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Ngoài ra, còn có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách khoa và các trường đại học trên địa bàn thành phố. So với tương quan tổng thể về nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố Đà Nẵng chiếm gần 10%.
Tuy nhiên, nhìn vào con số doanh nghiệp chuyên về thiết kế vi mạch nói trên là chưa đủ để có môi trường phong phú, đa dạng cho hàng ngàn các chuyên gia, kỹ sư chuyên ngành trong lĩnh vực về vi mạch bán dẫn và AI thực hành, nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành về vi mạch bán dẫn và AI tại một hội thảo mới đây về phát triển nguồn nhân lực của Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu với những thiết bị tiên tiến, hiện đại thì Đà Nẵng đang còn thiếu. Theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng cần được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế và có chính sách tốt để có thể dùng chung cho việc đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học trên địa bàn thành phố trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và AI. Trung tâm nay sẽ là nơi hội tụ, dẫn dắt và kết nối nhân lực trong các lĩnh vực này; tạo điều kiện để phát triển chuyên môn liên tục thông qua việc tổ chức, đồng tổ chức các hội thảo, hội nghị, chương trình đào tạo và có một môi trường với các thể chế thuận lợi để nhanh chóng phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này bảo đảm được sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Đấy là vấn đề rất quan trọng cho quá trình nghiên cứu, đào tạo ra các chuyên gia lành nghề, các kỹ sư giỏi; đồng thời cũng là môi trường bắt buộc để có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XV đang diễn ra) cùng với việc xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là những cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch, bán dẫn. Sự nỗ lực của chính quyền thành phố, cùng với sự tham gia tích cực của các trường đại học, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng hùng hậu là đội ngũ sinh viên - những kỹ sư tương lai của lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI - các mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra sẽ thành hiện thực, sớm nâng tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu.
LÊ MINH HÙNG