Thời sự và bàn luận

Động lực mới, niềm tin mới

07:46, 27/06/2024 (GMT+7)

Tin vui đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng là sáng 26-6, tại kỳ họp thứ 7 khóa XV, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng thay thế cho Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội khóa XIV. Qua quá trình chuẩn bị công phu, khoa học, gắn với yêu cầu phát triển mới của đất nước và xu thế chung toàn cầu, nghị quyết lần này sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Có thể nói đây là bước ngoặt quan trọng để thành phố tiến tới hoàn thành những mục tiêu trước mắt và lâu dài được nêu trong các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dõi diễn tiến và kết quả tốt đẹp của kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XV, người dân Đà Nẵng có một cảm giác vui, tự hào xen lẫn kỳ vọng về tương lai thành phố trong khí thế phát triển chung của cả nước. Những ngày qua, Đà Nẵng trở thành một trong những mối quan tâm chung của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội, trong đó có những nhà quản lý, các nhà khoa học, thảo luận chuyên sâu về những nội dung mới của dự thảo nghị quyết về phát triển Đà Nẵng; chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, tư vấn, hiến kế những nội dung sát hợp để Đà Nẵng có thể đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hiện nghị quyết. Kể cả những ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia nghiên cứu ngoài khuôn khổ của chương trình nghị sự kỳ họp được các phương tiện truyền thông đăng tải.

Cùng với  Kết luận số 79-KL/TW mới đây của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nghị quyết quan trọng lần này của Quốc hội đã thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, tất cả các địa phương đều có những thành tựu, những dấu ấn của tư duy sáng tạo; nhưng Đà Nẵng có những đặc thù riêng về nhiều phương diện, điều này đã được Trung ương khẳng định trong nhiều nghị quyết, nhất là Nghị quyết 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị  về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng cùng với một số tỉnh, thành phố có cơ chế đặc thù, được phép “phát triển vượt trước”, có nhiệm vụ thí điểm cho một mô hình phát triển mới để từ đó tạo ra những tác động lan tỏa tích cực, lôi kéo sự phát triển của các địa phương khác trong khu vực và cả nước.

Việc Quốc hội thông qua nghị quyết về Đà Nẵng cũng đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và của các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, phấn đấu thực hiện mục tiêu chung, đưa Việt Nam thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, nghị quyết của Quốc hội thực sự là nguồn động viên, khích lệ thành phố quyết liệt hơn trong tư duy và hành động; chủ động, sáng tạo hơn để phát triển nhanh hơn và đột phá hơn trong giai đoạn sắp tới. Kinh nghiệm hơn 25 năm phát triển thành phố cho thấy, không thể trông chờ, ỷ lại, chấp nhận “tuần tự nhi tiến” mà luôn phải có quyết sách bứt phá, vượt trước, vượt lên chính mình. Chúng ta nhận thức được rằng, cơ chế, chính sách đặc thù chỉ một phần trong hệ thống các quy định chung về quản lý nhà nước, nên trong từng trường hợp triển khai cụ thể sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, vì vậy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong quá trình triển khai thực hiện từng đề án, dự án cụ thể.

Trước mắt, thành phố sẽ triển khai thực hiện hàng loạt những chủ trương, chính sách được nghị quyết đề ra, trong đó có những nhiệm vụ thực sự mới mẻ, khó khăn. Trong đó, đáng kể như thành lập khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Chính qua thử thách khó khăn của những nhiệm vụ mới mẻ, thành phố càng có cơ hội để khẳng định mình. Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, người lãnh đạo cao nhất của thành phố đã khẳng định như một cam kết chính trị khi nói về khu thương mại tự do ở Đà Nẵng: Đây là một trong những đột phá và cũng là dám nghĩ, dám làm trong thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Trên thực tế, thời gian qua, thành phố đã tiên lượng, đã có những bước chuẩn bị khá rốt ráo và cụ thể, trong đó có những nhiệm vụ đã có bước triển khai hiệu quả, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Nghị quyết của Quốc hội lần này khi đi vào cuộc sống sẽ tạo ra những biến chuyển rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, sẽ nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Thiết nghĩ, việc quán triệt nội dung nghị quyết, bao gồm các chính sách nổi trội, đặc thù, những chính sách mới, mang tính đột phá sẽ phải được các cơ quan tuyên truyền chọn hình thức thích hợp để phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đến các địa bàn dân cư để người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền trong triển khai thực hiện, nhất là khi có những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời qua đây tạo thêm niềm tin, sự phấn khởi tự hào về tương lai phát triển của thành phố. Riêng đối với các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và các cán bộ, công chức chuyên môn kỹ thuật, các chuyên gia trên các lĩnh vực, là đảng viên hay chưa đảng viên, cần được tổ chức nghiên cứu chuyên sâu thông qua các chuyên đề cụ thể để có thêm kiến thức, kinh nghiệm vận dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên nhiều cương vị công tác khác nhau. Phương châm “cả hệ thống chính trị vào cuộc” cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Với ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố, với sự phát huy cao độ trí tuệ, công sức, sự đồng thuận đồng lòng của tất cả các tầng lớp nhân dân, cùng với sự theo dõi chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự hỗ trợ của của các cơ quan Trung ương và sự hiệp đồng của các địa phương bạn, thành phố Đà Nẵng chắc chắn sẽ thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội, tạo nên những bứt phá ấn tượng trong chặng đường phát triển mới.

NẠI HIÊN

.