Thời sự và bàn luận

Bảo đảm tính răn đe, đề cao tính nhân văn, hướng thiện

07:38, 29/10/2024 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là vấn đề dư luận quan tâm bởi số người chưa thành niên vi phạm pháp luật gia tăng những năm gần đây. Việc ban hành luật chuyên biệt với người chưa thành niên được đánh giá là sáng kiến ý nghĩa, bước tiến lớn để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo đánh giá của ngành Công an, tình trạng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, hành vi ngày càng nguy hiểm. Hầu hết đối tượng vi phạm đã nghỉ học, chiếm hơn 67%; thích tụ tập hoặc thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có mối quan hệ xã hội phức tạp; sử dụng các chất gây nghiện, chất kích thích.

Bên cạnh đó, các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên mạng xã hội; sử dụng mạng xã hội để tụ tập thành nhóm và hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn. Thống kê của Bộ Công an cho biết, cả nước hiện nay có hơn 1.800 phạm nhân là người dưới 18 tuổi đang chấp hành án trong các trại giam.

Tháng 7 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chọn tổ chức hội nghị lấy ý kiến phục vụ việc chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo luật quy định 4 loại hình phạt, bao gồm phạt tù có thời hạn, phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.

Tại phiên thảo luận của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao sự hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội. Luật được xây dựng trên tinh thần tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, hạn chế tối đa việc áp dụng pháp luật mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Nội dung về các biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo luật đưa ra thể hiện tính nhân văn, hướng thiện, giúp người chưa thành niên chịu trách nhiệm về hành vi, giúp thay đổi hành vi, do đó dự luật có quy định về các thủ tục tố tụng thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới. Bên cạnh đó, các giải pháp dựa vào cộng đồng được nhiều địa phương áp dụng.

Tại Đà Nẵng, sau 13 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, đã tổ chức 1.500 lượt buổi gặp mặt, đối thoại với học sinh yếu kém, hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học để nắm tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc... nhằm định hướng mục đích, động cơ, ý thức, phương pháp học tập; tổ chức 400 lớp giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh-thiếu niên hư, chậm tiến, học sinh bỏ học, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật. Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên trên địa bàn thành phố.

Thực hiện chỉ thị, các sở, ngành, tổ chức xã hội giúp đỡ giáo dục, hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng ngừa tái phạm, thể hiện tính hiệu quả và tiết kiệm. Tuy nhiên, theo ý kiến từ ngành Công an, sự giúp đỡ từ các tổ chức đối với các em cần tập trung vào hình thành thái độ tích cực và kỹ năng xã hội, cũng như tăng cường ý thức trách nhiệm, ý thức về gắn kết với cộng đồng. Từ đó, có thể đưa người chưa thành niên phạm pháp trở về con đường đúng đắn khi trưởng thành.

HOÀNG NHUNG

.