.

Đâu chỉ riêng Đà Nẵng bí tiền

(ĐNĐT) - Mới đây, tờ báo nọ phản ánh rằng Đà Nẵng bí tiền vì không bán được đất. Vì bí tiền nên bội chi ngân sách tới 2.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013(?!). Vâng, sự thật là Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn về thu ngân sách. Do khó khăn về ngân sách mà nhiều công trình, dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ. Nhưng cách đưa tin của tờ báo dễ gây cho người đọc hiểu nhầm công tác quản lý, điều hành của chính quyền thành phố yếu kém nên mới gây nên nỗi.

Xin thưa rằng, khó khăn đâu chỉ riêng Đà Nẵng. Ba năm qua, ai cũng nhận thấy, kinh tế cả nước không nằm ngoài khó khăn chung của kinh tế thế giới. Vì vậy, khó khăn của kinh tế Đà Nẵng đâu nằm ngoài khó khăn của cả nước. Hậu quả của nó là hụt thu ngân sách. Theo dự báo của Chính Phủ tại phiên họp thường kỳ ngày 27-6-2013, hụt thu ngân sách cả nước năm nay có thể lên đến 65 ngàn tỷ đồng. Số hụt thu này tập trung ở những địa phương có nguồn thu ngân sách hằng năm lớn gấp nhiều lần Đà Nẵng. Hụt thu ngân sách dẫn đến thiếu vốn đầu tư cho các công trình, dự án đã và đang triển khai là lý do bất khả kháng. Đà Nẵng cũng không nằm ngoài tình trạng này. Như vậy, đâu chỉ Đà Nẵng "Kẹt cứng nguồn thu" như đầu đề bài báo này.

Nhiều bạn đọc tỉnh táo sẽ nhận ra, khó khăn chung về kinh tế, về thu ngân sách là vậy, tại sao cứ săm soi cái khó khăn đó của riêng Đà Nẵng? Như vậy, liệu có khách quan chưa khi nói về tình hình khăn của kinh tế Đà Nẵng đều nằm trong khó khăn của cả nước? Khó khăn về kinh tế, về thu ngân sách của thành phố Đà Nẵng đã được HĐND thành phố khóa VIII công khai, mổ xẻ lý do khách quan, chủ quan tại kỳ họp thứ 7 và bàn giải pháp về thu ngân sách sắp tới. Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu (được truyền hình trực tiếp) kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố cùng chung tay chia sẻ với khó khăn của chính quyền thành phố. Ngay từ đầu năm, thành phố đã có chủ trương, giải pháp tiết kiệm chi, chống lãng phí, chống thất thu ngân sách, thực hiện nguyên tắc: Thu đến đâu, chi đến đó, đảm bảo cân đối ngân sách linh hoạt giữa tiến độ thu ngân sách với thực hiện nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách.

Một sự thật khách quan, diễn biến thu ngân sách của thành phố Đà Nẵng từ đầu năm 2013 đến nay tốt hơn năm 2012, thu ngân sách tháng sau tăng hơn tháng trước và tổng thu ngân sách đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2012. Tác giả bài báo nọ không chịu thừa nhận một sự thật này bằng cách đem số thu ngân sách của năm kinh tế khó khăn so với năm kinh tế phát triển tốt để đưa đến hậu quả "Dự án dở dang, dân khổ" (tít phụ của bài báo-PV).

Có thể thấy, hình ảnh hậu quả này ở nhiều địa phương khác chứ chẳng riêng gì Đà Nẵng. Bài báo còn phản ánh việc Đà Nẵng bội chi ngân sách 2.400 tỷ đồng (?!). Đó là việc không thể xảy ra vì theo Luật Ngân sách nhà nước chỉ Quốc hội mới cho phép ngân sách Trung ương được bội chi, ngân sách địa phương thì không được phép bội chi (theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15-8, bội chi ngân sách nhà nước là 102.000 tỷ đồng). Do đó việc nêu con số này là không chính xác.

Những ý kiến như thế về Đà Nẵng rất phiến diện, không có chủ ý xây dựng. Vậy nên trong tình hình khó khăn này, Đà Nẵng rất cần, rất thiện chí lắng nghe những ý kiến góp ý xây dựng, những ý kiến động viên chân thành để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố siết chặt tay cùng vượt qua những khó khăn thách thức phía trước.

Chu Văn

;
.
.
.
.
.