.

Nan giải chuyện xử lý rác ở KCN Hòa Khánh

.

Hiện Đà Nẵng có 6 Khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và thu hút hơn 300 doanh nghiệp (DN). Theo ước tính, mỗi ngày các DN này thải ra hàng chục tấn rác, chất thải rắn các loại và như vậy số lượng chất thải rắn mỗi năm thải ra từ các KCN rất lớn. Thế nhưng việc thu gom và xử lý rác, chất thải rắn ở các KCN đang là vấn đề nan giải ở không ít KCN trên địa bàn thành phố. Điển hình như KCN Hòa Khánh, việc thu gom và xử lý rác, chất thải công nghiệp đang diễn ra khá lộn xộn.

 

Mô tả ảnh.
Gần 20 DN ở KCN Hòa Khánh không chịu ký hợp đồng xử lý rác, chất thải công nghiệp.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, trong tổng số gần 300 DN đang hoạt động tại 6 KCN trên địa bàn, hiện mới có hơn 200 DN ký hợp đồng với đơn vị để thu gom và xử lý rác, chất thải. Trung bình mỗi tháng, đơn vị thu gom và xử lý khoảng trên dưới 700 tấn rác thải, chất thải rắn. Ông Nguyễn Thành Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng) lo ngại: “Việc thu gom rác, chất thải rắn ở KCN Hòa Khánh đang bị chồng chéo ở nhiều khâu.

Theo quy định, việc thu gom và xử lý rác, chất thải rắn của các DN hoạt động ở KCN Hòa Khánh là do xí nghiệp thực hiện, thế nhưng do thiếu chế tài nên việc yêu cầu các DN thực hiện ký hợp đồng với đơn vị trong việc xử lý rác, chất thải công nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Mặt khác, việc thu gom và xử lý rác thải ở các tuyến đường trong KCN này lại do đơn vị khác thực hiện”. Ông Sanh cho biết thêm: Việc không ít DN không chịu ký hợp đồng là do DN có mặt bằng rộng nên chôn lấp rác tại chỗ để giảm chi phí, số DN còn lại thuê các DN vận tải chở đi nơi khác đổ. Thậm chí không ít DN còn thuê những người mua phế liệu đổ rác, chất thải công nghiệp trực tiếp ra các tuyến đường trong KCN, gây ô nhiễm và mất mỹ quan ở KCN.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện việc xử lý rác thải công nghiệp ở các KCN diễn ra khá lộn xộn, có nhiều đơn vị thu gom và xử lý. Tình trạng các DN giao khoán hợp đồng xử lý rác thải cho các đơn vị đảm nhiệm thiếu sự kiểm tra, giám sát. Các đơn vị thu gom chất thải từ nhà máy, xí nghiệp về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải ra môi trường hoặc bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, gây tác hại nghiêm trọng về môi trường.

Theo Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp, hiện KCN Hòa Khánh có gần 140 DN hoạt động, ước tính mỗi tháng những DN này thải ra khoảng hơn 600 tấn rác, chất thải công nghiệp, nhưng mỗi tháng hiện đơn vị mới thực hiện thu gom và xử lý khoảng 500 tấn rác, chất thải công nghiệp. Hiện vẫn còn gần 20 DN không chịu ký hợp đồng với đơn vị trong việc thu gom và xử rác, chất thải công nghiệp. “Những DN không ký hợp đồng trong việc xử lý rác, chất thải công nghiệp chắc có lẽ họ thuê đơn vị khác đổ thẳng ra các tuyến đường trong KCN, hoặc vận chuyển đi nơi khác”, ông Sanh nói.

Vậy vấn đề thu gom rác ở các tuyến đường trong KCN Hòa Khánh do đơn vị nào thực hiện? Ông Ngô Lê Quảng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh miền Trung cho biết: “Trong năm 2010, đơn vị được thành phố giao thực hiện việc thu dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường tại KCN Hòa Khánh, vì vậy chúng tôi đã bố trí lao động, phương tiện để bảo đảm các tuyến đường luôn sạch sẽ”. Cũng theo ông Quảng, mặc dù công nhân của đơn vị thường xuyên quét dọn vệ sinh nhưng hằng ngày trên nhiều tuyến đường đâu đó vẫn xuất hiện nhiều loại rác, trong đó có cả chất thải công nghiệp được đổ ra đường.

Có thể nói, xã hội hóa công tác thu gom rác, chất thải công nghiệp ở các KCN là một chủ trương đúng đắn cần được nhân rộng, thế nhưng việc tổ chức thực hiện cần được ngành chức năng đánh giá thực trạng nhằm có giải pháp giải quyết những bất cập. Theo ông Sanh, công tác thu gom rác thải trong các KCN còn nhiều điều đáng để ngành chức năng xem xét, bởi ý thức bảo vệ môi trường của các DN chưa cao. Cụ thể, theo ông Sanh, hầu hết rác thải tiếp nhận có “đủ mọi thứ trên đời”, rác thải sinh hoạt xen lẫn rác thải công nghiệp đã gây khó khăn trong phân loại, xử lý rác.

Mặt khác, một số cá nhân hợp đồng thu gom rác tại các DN, cơ sở sản xuất sau khi đã “tận dụng” các phế liệu sản xuất, rác công nghiệp, còn phế liệu không thể tận dụng thì đốt, đổ bừa bãi hoặc trộn lẫn vào rác sinh hoạt. “Trong thời gian tới, ngành chủ quản cần có biện pháp kiểm tra các điều kiện cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức đang tổ chức thu gom rác có giấy phép, hợp đồng thu gom rác tại các KCN. Đây chính là giải pháp nhằm chấn chỉnh, hoạt động thu gom rác thải, chất thải công nghiệp ở các KCN, góp phần khắc phục các hạn chế nói trên”, ông Sanh đề nghị. 

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.