Kinh tế
Chọn mua đầu thu kỹ thuật số xem truyền hình
Người xem truyền hình ở Đà Nẵng đang chuẩn bị mua đầu thu kỹ thuật số trước khi các đài truyền hình thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, bỏ hệ phát sóng analog từ ngày 1-7-2015. Vậy chọn mua đầu thu nào?
Mẫu dấu hợp quy gắn trên thiết bị đầu thu kỹ thuật số và biểu tượng truyền hình số mặt đất DVB-T2. |
Tràn lan đầu thu DVB-T2 lậu
Những tháng qua, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT&TT) liên tục thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp (DN) kinh doanh đầu thu lậu. Các DN đang ráo riết mở kênh bán hàng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 trên nhiều trang mạng điện tử.
Tại Đà Nẵng, thị trường đầu thu kỹ thuật số cũng xuất hiện nhiều đầu thu lậu, chưa được chứng nhận hợp quy đang được rao bán công khai ở các tuyến đường kinh doanh mặt hàng điện tử. Tìm hiểu về thị trường đầu thu kỹ thuật số tại địa bàn huyện Hòa Vang cũng cho thấy các cửa hàng điện tử đều đưa ra đầu thu kỹ thuật số có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chủ cửa hàng kinh doanh điện tử tại thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn không ngần ngại chào bán đầu thu kỹ thuật số từ Trung Quốc với giá 500.000 đồng/đầu thu.
Hiện thị trường Đà Nẵng có đến hàng chục các model đầu thu số DVB-T2 là hàng “lậu” như: HD DTR DVB-T2, Pentasat S-2000 T2, FTA-T2, Suntek SunTV DVB-T2HD, VTC DVB-T2 HD-2001, DVB-T2 Startrack, DVB-T2 HDXBOX, HD02, APH T2-16…
Các sản phẩm lậu ở thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được quảng cáo là hàng công ty, bảo hành từ 6 tháng đến 12 tháng, có khả năng thu được từ 40 đến 50 kênh truyền hình miễn phí. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ TT&TT, các sản phẩm chưa đủ điều kiện về dán nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và dán biểu tượng số hóa truyền hình đều là hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi hoặc là hàng nhập lậu.
Lo lắng khác của người dân là ngoài trang bị thêm đầu thu kỹ thuật số còn mua thêm phụ kiện là ăng-ten. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, chất lượng ăng-ten thu truyền hình trên thị trường đang là vấn đề cần quan tâm.
Qua khảo sát của Cục Tần số vô tuyến điện, ăng-ten 24 chấn tử nhưng hệ số khuếch đại bằng âm, ăng-ten được quảng cáo 11dbi nhưng khi đo chỉ được 2-3 dbi, những loại ăng-ten này không thể thu được truyền hình số.
Chọn mua đầu thu kỹ thuật số
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ xuất xứ sản phẩm đầu thu. Người sử dụng nên chọn sản phẩm đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 do các DN trong nước cung cấp. Trong đó, bán rộng rãi nhất là sản phẩm của Công ty TNHH Hùng Việt (HD VJB), mới đây là VTVBroadcom.
Công ty Hùng Việt còn phối hợp với tổng đài hành chính công Đà Nẵng để giới thiệu và bán sản phẩm, khi người dân gọi đến tổng đài 19009496 sẽ được nhân viên của Hùng Việt tư vấn và đặt hàng trực tiếp từ tổng đài này.
Hiện tại giá đầu thu VTV HD/T2 của VTVBroadcom là 799.000 đồng, giá đầu thu HD VJV của Hùng Việt giá 599.000 đồng (chưa có ăng-ten). Cả hai sản phẩm này đều là hàng chính hãng và đã được các DN này công bố hợp quy theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT. Người dân mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 có thể thu được tối đa 42 kênh truyền hình trong nước và 2 kênh phát thanh quảng bá.
Theo quy định của Bộ TT&TT, đầu thu truyền hình số mặt đất và ti-vi số chuẩn DVB-T2 phải dán nhãn hàng hóa, có dấu hợp quy và biểu tượng số hóa truyền hình mới đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường. Do đó, người dân cần chọn lựa sản phẩm có đủ 3 loại tem nhãn nói trên để bảo đảm thu sóng truyền hình số tốt nhất.
Từ ngày 1-7-2015, ngừng phát sóng analog các kênh: VTV 6, VTV Đà Nẵng và DRT 1 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son vừa có ý kiến chỉ đạo ngừng phát sóng analog đối với 3 kênh truyền hình VTV 6, VTV Đà Nẵng và DRT1 của Đài PT-TH Đà Nẵng từ 1-7-2015. Các kênh truyền hình này chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Các kênh truyền hình khác như: VTV3, VTV9, VTV1, VTV2, DRT2, VTC1, VTC9 sẽ cắt sóng analog vào ngày 30-9-2015. |
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG