Kinh tế

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nào?

07:32, 15/06/2015 (GMT+7)

Là huyện thuần nông, nhưng Hòa Vang chỉ còn hơn 2.600ha đất canh tác lúa (vụ đông xuân) và khoảng 800ha các loại cây trồng khác. Đáng lẽ, đất canh tác ít, người ta khai thác tối đa cho sản xuất, tăng thu nhập; đằng này năm nào cũng vậy, vụ hè thu hàng trăm hecta đất lúa ở địa phương này bỏ hoang, rất lãng phí.

Một trong rất nhiều cánh đồng đang bỏ hoang ở Hòa Vang.
Một trong rất nhiều cánh đồng đang bỏ hoang ở Hòa Vang.

Số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện gieo sạ 2.640ha lúa, trồng 223ha bắp, 399ha đậu phụng, khoảng 60ha rau... Vụ hè thu diện tích lúa giảm mạnh, chỉ còn 2.322ha, diện tích trồng bắp có tăng chút ít so vụ đông xuân. Cây mè thay thế cây đậu phụng khoảng 300ha và diện tích trồng rau chỉ còn khoảng 1/2 vụ trước...

Đến nay, trong số hơn 300ha đất lúa vùng không chủ động nước tưới đang bỏ hoang chỉ có 16,3ha tại 2 xã Hòa Ninh, Hòa Bắc chuyển sang trồng đậu xanh cao sản do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với địa phương triển khai.     

Lội qua nhiều cánh đồng đang bỏ hoang, chúng tôi chỉ thấy trâu bò, giữa các cánh đồng thỉnh thoảng bắt gặp vạt mè xanh tốt được rào dậu khá cẩn thận. Chúng tôi trao đổi với lãnh đạo một số xã, được họ cho biết, nguyên do không chuyển đổi sang cây trồng khác chỉ vì khu vực đó tụ thủy, hễ mưa xuống là ngập úng, có sản xuất màu cũng thất thu.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa Vang đang rất khó khăn, hệ quả là nhiều diện tích canh tác lúa hoang hóa. Tại xã Hòa Sơn, trong số 132ha lúa vụ đông xuân, vụ hè thu này chỉ sản xuất 40ha. Còn ở xã Hòa Ninh, chỉ có 10ha lúa đang canh tác, giảm 131ha so vụ đông xuân. Điều này đồng nghĩa với thực trạng không ít nông hộ sẽ vô cùng khó khăn về thu nhập và đời sống.

Trao đổi về thực trạng đất canh tác bỏ hoang, ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho rằng: Vụ hè thu các cánh đồng không chủ động nước, nông dân chấp nhận bỏ hoang. Ruộng của họ, họ tự chủ về sản xuất.  Địa phương đã mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, phân bón, nhưng thấy hiệu quả kinh tế không cao nên họ không chịu triển khai.

Cũng là xã miền núi nhưng ở Hòa Bắc lại hoàn toàn khác. Nhờ hàng trăm giếng khoan ngay trên đồng ruộng, sử dụng máy bơm loại nhỏ hút nước ngầm tại chỗ nên 81ha lúa năm 2 vụ xanh tốt. Diện tích trồng màu liên tục gối vụ, hết mùa đậu đến mè. Gần 100ha mía thu hoạch xong là trồng lại lứa khác. Nhờ vậy, Hòa Bắc là nơi người nông dân có thu nhập ổn định.

Giải pháp nào để vụ hè thu ở Hòa Vang đồng ruộng không bỏ hoang? Bài toán này rất cần lời giải, bởi diện tích canh tác ở Hòa Vang không nhiều, tình trạng khô hạn không đến nỗi gay gắt. Đưa hơn 300ha đất lúa vùng không chủ động nước tưới vào sản xuất, thu nhập của huyện sẽ tăng thêm nhiều tỷ đồng. Nhưng, để làm được điều này, ngoài nông dân, ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thực tế đã có trong sản xuất nông nghiệp là các cánh đồng không chủ động nước tưới, không cần sản xuất lúa mà chuyển sang cây trồng cạn có tính bền vững quanh năm. Tại đó, xây dựng các kênh tiêu chống ngập úng và đưa cây chịu hạn vào canh tác. Một số địa phương ở miền Bắc đã chuyển đất ruộng lúa để trồng cây cảnh rất lý tưởng, thu nhập gấp hàng chục lần so trồng lúa. Không ít địa phương, chuối, đu đủ đã ngự trị trên đất ruộng lúa vùng thường bị khô hạn.

Ở Hòa Vang, trồng cỏ nuôi bò đã khẳng định được tính hiệu quả sau mấy năm triển khai. Tuy vậy, diện tích trồng cỏ chưa nhiều do địa phương chưa ưu tiên thích đáng về quỹ đất. Hầu hết các vườn cỏ đều là đất vườn thừa, đất lúa không chủ động nước tưới. Nếu như chuyển các cánh đồng đang bỏ hoang hiện nay để trồng cỏ thì chăn nuôi bò ở Hòa Vang rất phát triển. Nói về hướng chuyển đổi này, bà Lê Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Địa phương cũng đã tính đến giải pháp này và có lẽ đây là hướng khả thi hơn cả.

Trồng đậu, bắp năng suất cũng khá thất thường, còn trồng cỏ năng suất sẽ cao. Hiện tại, ở Hòa Ninh, nuôi bò quy mô đàn đang phát triển mạnh. Thức ăn từ môi trường tự nhiên không thể đáp ứng đủ. Thức ăn bổ sung cho bò chỉ có thể từ trồng cỏ. Thời gian tới, xã sẽ định hướng cho nông dân, đưa các cánh đồng đang bỏ hoang vào trồng cỏ. Chắc chắn đây là bài toán khả thi nhất về chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

.