Kinh tế
Kinh tế chuyển mình mạnh mẽ
Những tuyến phố thương mại ra đời, hàng loạt siêu thị đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp, HTX mới hình thành, các chợ dân sinh được nâng cấp… được xem là những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế quận Thanh Khê.
Dịch vụ thương mại của quận Thanh Khê đóng góp lớn vào ngân sách quận.Ảnh: NAM PHƯƠNG |
Với những bước đi đúng hướng, 5 năm qua là một quá trình đầy thử thách, ghi lại giai đoạn phát triển đặc biệt của quận Thanh Khê ở một vị thế hoàn toàn mới.
Phát triển nhanh dịch vụ thương mại
Đi dọc một số tuyến đường thương mại điển hình như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn… không chỉ người dân địa phương mà du khách đến Đà Nẵng đều cảm nhận sự phát triển sôi động qua mỗi tuyến phố trên địa bàn quận Thanh Khê. Thanh Khê có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển chung của thành phố.
Vì vậy, những năm qua quận đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ thương mại, đặc biệt thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thương mại hiện đại.
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, trong 5 năm qua, ngành thương mại và dịch vụ trên địa bàn quận đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ hằng năm tăng bình quân 20%. Đến nay, ngành dịch vụ thương mại có tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của quận đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các giai đoạn 2006: 47%; 2010: 55% và 2015: 60,49%.
Ông Lương Hữu Trúc, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho hay: “Thương mại - dịch vụ được xem là ngành kinh tế chiếm ưu thế và tỷ trọng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách của quận. Sự phát triển sôi động của các hoạt động thương mại và dịch vụ trong những năm qua đã tạo điều kiện cho ngành kinh tế quận ngày càng chuyển biến mạnh mẽ, hàng hóa được lưu thông, gắn kết thị trường thành phố với các địa phương khác cũng như mở rộng thị trường nước ngoài”.
Hiện nay, quận Thanh Khê quản lý 3.217 doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ các loại hình và thành phần kinh tế, gần 4.860 hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh và dịch vụ, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, trung tâm thương mại, siêu thị…
Trên địa bàn quận tập trung nhiều siêu thị bán lẻ vào loại lớn như Big C, Co.opMart hay những siêu thị điện máy kinh doanh nhiều thương hiệu nổi tiếng như Nguyễn Kim, Phan Khang, Vietronimex…
Các siêu thị này luôn thu hút người dân địa phương và các tỉnh lân cận cũng như du khách đến mua sắm, vui chơi, giải trí. Quận cũng có những tuyến đường văn minh thương mại như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ… được xem là những tuyến đường kinh doanh hiện đại, sôi động và sầm uất vào loại bậc nhất thành phố. Bên cạnh đó, công tác xây dựng mới, đầu tư khai thác và quản lý chợ được chú trọng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, nhiều chợ mới được hình thành như Thanh Khê 1, Quán Hộ, chợ Hải sản… đã thu hút hơn 2.100 hộ tiểu thương vào kinh doanh ổn định. Năm 2014, quận hình thành tuyến phố chuyên doanh hoa, cây cảnh tại đường Nguyễn Đình Tựu hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên, hội làm vườn và các hộ kinh doanh mua bán, giao lưu loại hình sinh vật cảnh, đồng thời giải quyết được việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần tạo cảnh quan đô thị. Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn quận tăng hằng năm là 12% chủ yếu nhờ vào việc kinh doanh các ngành nghề thương mại và dịch vụ.
“Sự đầu tư về kết cấu hạ tầng được xem là “bệ phóng” giúp ngành kinh tế quận Thanh Khê chuyển dịch đúng hướng và phát triển có chiều sâu. “Cùng với các hình thức kinh doanh thương mại hiện đại, gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử đã và đang từng bước thay thế dần các hình thức kinh doanh thuần túy, tự phát, manh mún và nhỏ lẻ”, ông Trúc cho biết.
Hướng đi cho tương lai
Với mục tiêu phát triển mạnh ngành thương mại và dịch vụ theo hướng hiện đại, những năm tới, quận Thanh Khê sẽ tập trung xây dựng đồng bộ cơ cấu ngành, bao gồm phân ngành đại lý ủy quyền, bán buôn, bán lẻ, tự sản tự tiêu. Đặc biệt, tận dụng những lợi thế về địa bàn và môi trường sau quy hoạch, quận sẽ mở thêm nhiều hoạt động thương mại khác như phố mua sắm về đêm, phố du lịch Nguyễn Tất Thành, phố chuyên doanh điện tử - kỹ thuật số Hàm Nghi, phố chuyên doanh thời trang đường Lê Duẩn, xây dựng các chợ có nhu cầu lớn trong kinh doanh...
Quận sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để giúp các doanh nghiệp trong việc quy hoạch, sắp xếp lại tính thẩm mỹ và hiện đại hóa trong kinh doanh. Đồng thời tận dụng lợi thế sẵn có của hệ thống phân phối thuộc khối kinh doanh siêu thị đã được hình thành như Big C, Co.opMart, Nguyễn Kim… để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thêm hệ thống siêu thị mi-ni, cửa hàng tự chọn, từng bước tiếp cận các phương thức kinh doanh hiện đại về thương mại điện tử và thanh toán bằng thẻ tín dụng…
Sau khi cầu vượt ngã ba Huế đi vào hoạt động, cùng với dự án di dời nhà ga xe lửa Đà Nẵng, quận sẽ có kế hoạch triển khai ổn định các tuyến đường để hình thành các khu kinh doanh phù hợp với tình hình chung nhằm đẩy mạnh ngành thương mại-dịch vụ phát triển đúng hướng.
Quận cũng sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ về kinh phí và các chế độ ưu đãi khác giúp doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, trưng bày và giới thiệu hàng hóa qua các hội chợ triển lãm nội thành và liên tỉnh, liên vùng.
“Giai đoạn sắp tới rất khó khăn, nhưng quận sẽ đón đầu cơ hội để mở rộng xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cải thiện các chính sách đầu tư trên địa bàn gắn với cải cách hành chính, ưu đãi, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế thương mại”, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê nhấn mạnh.
HOÀNG HÂN