Kinh tế

Đường lún từ khâu... thiết kế

07:34, 24/06/2015 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dư luận băn khoăn về tình trạng nhiều tuyến đường xuất hiện những vệt lún như hình sóng ở nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công và những doanh nghiệp vận tải đã giải thích hiện tượng này là do trời... nóng quá nên mặt đường bị chảy. Thế nhưng, theo những chuyên gia có kinh nghiệm trên lĩnh vực này, việc đường lún là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, trong đó cốt lõi nhất là thiết kế chưa sát với thực tế.

Quốc lộ 14B mới được sửa chữa cuối năm 2014, nhưng đến nay đã xuất hiện rất nhiều vệt lún dài trên  mặt đường.
Quốc lộ 14B mới được sửa chữa cuối năm 2014, nhưng đến nay đã xuất hiện rất nhiều vệt lún dài trên mặt đường.

Điệp khúc đường lún

Các quốc lộ qua địa bàn thành phố là như quốc lộ 1A (đoạn cầu vượt Hòa Cầm đến trạm thu phí Hòa Phước), quốc lộ 14B, đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan, Cách mạng Tháng Tám... gần như năm nào cơ quan chức năng cũng phải sửa chữa mặt đường. Và gần như “điệp khúc” sau khi sửa, đường lại xuất hiện những vệt lún dài, rất nguy hiểm cho người đi đường.

Điển hình như quốc lộ 14B, tuyến đường “gánh” nhiều xe ben hoạt động nhất hiện nay, công tác sửa chữa, khắc phục những vị trí mặt đường bị bong tróc và những vệt lún dài trên đường vừa hoàn thành cuối năm 2014 thì đến nay nhiều đoạn đường đã xuống cấp trở lại.

Đặc biệt là ở những vị trí đấu nối với các mỏ khai thác đất dọc theo tuyến đường này, mặt đường không những xuất hiện các vệt lún dài mấp mô hình sóng mà còn có cả những đụn nhựa đường nhô cao khiến các loại phương tiện qua đây rất dễ bị trượt ngã.

Hoặc như tuyến quốc lộ 1A (đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến trạm thu phí Hòa Phước), chỉ sau vài năm đưa vào khai thác đã nhiều lần sửa chữa khắc phục vị trí mặt đường bị bong tróc, bù lún những đoạn xuất hiện “sóng lưng trâu”, nay lại xuất hiện nhiều vết lún dài.

Đường Cách mạng Tháng Tám, có thời gian xuất hiện những vệt lún quá sâu nên được sửa chữa bằng cách bóc tách hết lớp nhựa mặt đường và cả nền đường, sau đó gia cố nền đường xong mới bù lún cho mặt đường, vậy mà hiện nay lại xuất hiện nhiều vệt lún trên đường.

Cầu Nguyễn Tri Phương, dù mới đưa vào khai thác hơn một năm đã xuất hiện các vệt lún mặt cầu và được sửa chữa khắc phục kịp thời, vậy mà hiện tại những vệt lún dài lại xuất hiện trên mặt cầu.

Lún ngay từ khâu... thiết kế

Đi tìm nguyên nhân đường bị lún, chúng tôi được kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố, có kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề khẳng định: Nguyên nhân mặt đường lún phổ biến hiện nay là do nhiều nguyên nhân cộng hưởng.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề chính là lỗi ở khâu thiết kế không tương ứng với tải trọng các loại xe tải hiện nay. Trong khi quy định hiện nay của ngành giao thông (theo TCVN: 4054-05 và TCVN: 211-06) cơ sở để tính toán tải trọng đường dựa trên tiêu chuẩn phương tiện cao nhất là 3 trục. Với mỗi trục có tải trọng từ 8-12 tấn (tùy phương tiện) thì tính ra mức tải trọng đường cao nhất hiện nay chỉ là 36 tấn.

Trong khi đó, ở Việt Nam, xe tải loại 4 trục trở lên rất nhiều. Ví dụ, xe có 4 trục, với mức chở tối đa cho phép lên đến 48 tấn, như vậy khi lưu thông trên đường đã vượt tải trọng thiết kế của đường đến 8 tấn. Với những xe có đến 8 trục hoặc nhiều hơn thì mức vượt tải còn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc xử phạt lỗi này là không thể do Bộ Giao thông vận tải đã cho phép tính tải trọng theo trục.

Rõ ràng đây là kẽ hở để các xe tải phá nát đường như hiện nay mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được. Bên cạnh đó, còn một bất hợp lý khiến tuổi thọ công trình bị giảm là khoảng cách giữa hai trục xe hiện nay quá gần nên gây ra hiện tượng “trùng phục”.

Theo quy định, khoảng cách giữa hai trục ít nhất là 4 mét, nhưng hiện nay có rất nhiều xe tải khoảng cách này chỉ 2, 3 mét. Điều này gây nên hiện tượng là khi xe chạy qua mặt đường chưa kịp đàn hồi đã phải gánh chịu lực kế tiếp, đây là một trong những nguyên nhân phá đường ghê gớm nhất.

Một số cán bộ, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong công tác thiết kế, thi công cầu đường hiện nay cho biết thêm, nguyên nhân khiến mặt đường xuất hiện nhiều vết hằn lún là do công tác thi công không bảo đảm. Một ví dụ là công đoạn lu lèn mặt đường thường phải được thực hiện từ 8-12 lần mới bảo đảm bền vững của mặt đường.

Nhưng, trong thực tế, hiện nay rất hiếm đơn vị thi công nào thực hiện đúng số lần lu lèn này mà thường chỉ thực hiện 4-5 lần. Bên cạnh đó, công tác xử lý nền móng chưa đạt yêu cầu, vật liệu nhựa không đúng tiêu chuẩn, có nhiều tạp chất cũng khiến cho mặt đường nhanh xuống cấp.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

.