Kinh tế
Gắn kết phát triển du lịch - làng nghề
“Thông qua đề án của thành phố, quận sẽ xây dựng phố chuyên doanh hàng thủ công đá mỹ nghệ trên đường Trần Hưng Đạo nối dài và đường Trường Sa. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn gắn kết tour du lịch tham quan Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn với du lịch làng nghề để du khách tham quan nghề chế tác đá thủ công; đồng thời, giới thiệu quảng bá ngành nghề truyền thống của địa phương đến với du khách”, ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết.
Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách thập phương. Ảnh: V.NỞ |
Tôn tạo cảnh quan và cải tạo môi trường
Trong những năm qua, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đã quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý Khu du lịch (KDL) thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phát triển, định hướng trọng tâm phát triển kinh tế dịch vụ-du lịch trong cơ cấu kinh tế của quận.
Cùng với đó, sự phát triển không ngừng trên mọi lĩnh vực của thành phố với nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức hằng năm đã trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động và phát triển du lịch quận. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2012-2014), KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đón gần 1,8 triệu lượt khách, trong đó gần 528.000 lượt khách nước ngoài, thu ngân sách trên 27,3 tỷ đồng, vượt 12,9% kế hoạch.
Để thu hút du khách ngày càng tăng, KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn không ngừng được đầu tư xây dựng nhiều công trình nhằm tôn tạo cảnh quan và cải tạo môi trường. Các công trình, văn bia, tượng cổ… luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn chủ động sửa chữa hệ thống điện trong các hang động, gia cố bậc cấp, đường ngầm ống nước lên Thủy Sơn, trồng thêm nhiều cây xanh, đặt thêm nhiều ghế đá tại các lối đi và nơi dừng chân của du khách để làm đẹp cảnh quan.
Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết: “Công tác giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị và được thực hiện xuyên suốt. Bên cạnh đó, Ban Quản lý triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Nhờ vậy đã bảo đảm trật tự văn minh du lịch, chống các hành vi tiêu cực, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường sạch sẽ.
Trong thời gian qua, Ban Quản lý KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cũng đã đầu tư lắp đặt thang máy tạo điều kiện cho người lớn tuổi, người tàn tật, các vị sư… đi lên chùa. Đặc biệt, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức chu đáo, bảo đảm an ninh trật tự và được xem là “lễ hội sạch”, không có ăn xin biến tướng nên hằng năm thu hút khoảng 10 vạn tín đồ đến dâng hương và tham quan du lịch.
Ngoài ra, cảnh đẹp của nhiều chùa chiền, hang động, nhất là hai ngôi chùa Tam Thai, Linh Ứng được vua Minh Mạng phong Quốc tự đã góp phần thu hút nhiều du khách. Dự kiến, trong những năm tới, hoạt động du lịch Ngũ Hành Sơn sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển, nhất là sau khi hoàn thành bố trí các cơ sở sản xuất vào làng đá mỹ nghệ Non Nước, xây dựng Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn và tổ chức khai thác du lịch đêm tại Thủy Sơn…
Kết nối tour du lịch làng nghề
Về định hướng gắn kết phát triển KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, ông Huỳnh Cự cho biết, quận sẽ di dời toàn bộ cơ sở sản xuất trong khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn ra sản xuất ở làng nghề để bảo đảm môi trường du lịch; đồng thời xây dựng làng nghề, xây dựng phố chuyên doanh hàng thủ công đá mỹ nghệ trên đường Trần Hưng Đạo nối dài và đường Trường Sa thành nơi thu hút khách tham quan.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phối hợp với Ban Quản lý KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn gắn kết tour du lịch tham quan Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn gắn với du lịch làng nghề để du khách tham quan nghề chế tác đá thủ công, giới thiệu, quảng bá ngành nghề truyền thống của địa phương đến với du khách.
“Sau này, quận sẽ đề xuất tổ chức liên hoan điêu khắc đá làng nghề quốc tế 2 hoặc 3 năm/lần và sử dụng sản phẩm của các nhà điêu khắc trưng bày ở các công viên, điểm công cộng của thành phố; tổ chức nâng cấp lễ hội “Thạch Nghệ tổ sư” (ông tổ nghề đá) thành lễ hội của bà con làng nghề”, ông Huỳnh Cự cho biết thêm.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận làng điêu khắc đá Non Nước là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời phong tặng danh hiệu nghệ nhân đối với các ông: Nguyễn Long Bửu, Lê Bền, Nguyễn Việt Minh. Trong năm 2014, thành phố Đà Nẵng cũng đã có quyết định công nhận làng nghề đá Non Nước là làng nghề truyền thống và nghề điêu khắc đá Non Nước là nghề truyền thống.
Bà Trần Thị Tằm, Phó trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý đang đẩy nhanh việc đưa các cơ sở vào hoạt động trong làng đá mỹ nghệ Non Nước, sau đó sẽ hình thành xây dựng du lịch làng nghề và khu trưng bày sản phẩm. Sau khi đưa vào hoạt động ổn định, khoảng nửa năm hoặc hằng quý sẽ tổ chức thi tay nghề, chọn những sản phẩm đẹp đưa vào khu trưng bày; đồng thời xây dựng Đề án xây dựng du lịch làng nghề. Khi Làng đá mỹ nghệ Non Nước đi vào hoạt động ổn định sẽ trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan.
ĐOÀN LƯƠNG