Kinh tế

Cơ sở công nghiệp nông thôn: Thiếu chiến lược marketing

07:38, 16/07/2015 (GMT+7)

Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CSCNNT) trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc marketing để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, việc tiếp cận thị trường thông qua hoạt động marketing được xem là nhu cầu bức thiết sống còn của doanh nghiệp (DN).

Thiếu chiến lược marketing nên các cơ sở công nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thiếu chiến lược marketing nên các cơ sở công nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thiếu và yếu

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các CSCNNT trên địa bàn thành phố đa số là những DN vừa và nhỏ, thường quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà không xây dựng chiến lược marketing lâu dài để trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Thuật ngữ “marketing” cho đến nay mới chỉ là “mảnh đất riêng” của các DN lớn, còn đối với CSCNNT hầu như còn xa lạ.

TS Võ Quang Trí, Trung tâm Nghiên cứu phát triển quản trị và tư vấn doanh nghiệp (CMCC), đơn vị thành viên của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chỉ ra rằng, việc xây dựng chiến lược marketing có liên quan chặt chẽ đến hiệu quả tài chính của các CSCNNT, trong đó vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm được xem là cản trở lớn nhất trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của chính DN.

“Lâu nay, các cơ sở này chủ yếu là làm theo thói quen và kinh nghiệm, không phải tốn chi phí cho việc quảng bá sản phẩm, vì vậy DN mất đi cơ hội phát triển, nhất là việc nắm bắt thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu”, ông Trí nói.

Khảo sát một vài CSCNNT trên địa bàn thành phố như HTX Mây tre An Khê, Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn, Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn…, hầu như những DN này ít khi lập ra những chính sách, kế hoạch, những chiến lược marketing dài hạn, kể cả ngắn hạn. Chủ DN thì luôn bận bịu với công việc quản lý và kinh doanh hằng ngày, chỉ chú trọng vào công việc chính là sản xuất và bán sản phẩm cho những khách hàng có mối làm ăn từ trước.

“Mỗi năm, HTX Mây tre An Khê xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm, trong đó 20% là xuất khẩu nhưng chủ yếu là bán cho khách hàng quen. Chúng tôi đều là những người ít biết về kinh doanh nên khi hợp tác với các đối tác nước ngoài vẫn rất dè chừng vì chưa có chiến lược marketing bài bản. Hơn nữa đối với thị trường trong nước, hiện nay mặt hàng nội thất của HTX bán rất chậm. Ngay cả người dân địa phương còn ít biết đến thương hiệu mây tre An Khê thì việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường trong nước vẫn là bài toán khó”, anh Trần Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre An Khê chia sẻ.

Một khó khăn nữa đối với các CSCNNT hiện nay trong việc thực hiện chiến lược marketing là vấn đề vốn. Nếu như các DN lớn phải bỏ ra một số tiền lớn và có cả đội ngũ chuyên gia để thực hiện những chiến lược marketing thì với các CSCNNT, chi phí đầu tư cho sản xuất gần như đã chiếm hết.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) thuộc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng nằm trong chiến lược marketing, thế nhưng đến nay, nhiều DN vẫn chưa quan tâm. Nhiều lần chúng tôi hỗ trợ DN về máy móc, kỹ thuật, nhưng có DN vẫn không mặn mà, vì thế việc tự bỏ tiền ra để marketing cho sản phẩm vẫn là bài toán khó”. Số liệu thống kê của TTKC&TVPTCN cho thấy, trong hàng trăm CSCNNT trên địa bàn thành phố, đến nay chỉ có 24 thương hiệu được xây dựng. Hoạt động marketing của nhiều DN vẫn còn thiếu và yếu.

Làm marketing từ những giao dịch nhỏ

Theo CMCC, để nắm bắt cơ hội thị trường tốt hơn, các CSCNNT nên làm marketing từ những giao dịch nhỏ. Có rất nhiều cách không mấy tốn kém để làm marketing như dán biểu tượng (logo) lên sản phẩm, treo băng-rôn, làm bao bì đẹp hấp dẫn khách hàng... Ngoài ra, các DN có thể thực hiện việc thiết lập một trang thông tin điện tử của riêng DN mình theo đúng tiêu chuẩn nước ngoài để khách hàng biết đến sản phẩm của DN nhiều hơn.

Để thực hiện các giao dịch nhỏ này, CMCC đã lập ra một dự án hướng dẫn DN xây dựng chiến lược marketing phù hợp với điều kiện cụ thể của từng DN như lựa chọn giải pháp cho vấn đề thị trường, bán hàng, quản lý chi phí và định giá. “Dự án này hướng tới mục tiêu gia tăng năng lực thực hiện các hoạt động marketing cho DN, giúp các DN chuyên nghiệp hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, bán hàng và tiếp cận thị trường nhiều hơn”, TS Võ Quang Trí cho biết. Hiện nay có 5 CSCNNT trên địa bàn thành phố tham gia vào dự án này.

Theo TTKC&TVPTCN, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên làm mô hình tư vấn marketing cho CSCNNT. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, ổn định hoạt động sản xuất, TTKC&TVPTCN còn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho các DN. Theo ông Lê Thanh Hạ, việc xây dựng thương hiệu được xem là bước đột phá trong quá trình xây dựng chiến lược marketing cho các CSCNNT.

“Chúng tôi nghĩ, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm thì DN cần phải xây dựng được thương hiệu mạnh. Vì vậy, với dự án này, chúng tôi sẽ mở các khóa đào tạo theo chiều sâu nhằm hỗ trợ DN hoàn thiện và triển khai kế hoạch marketing hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Hạ nhấn mạnh.

Theo đó, từ nay đến hết tháng 9, các CSCNNT tham gia vào dự án này sẽ trải qua một số khóa học để lựa chọn các giải pháp marketing phù hợp như đào tạo tại chỗ, huấn luyện thực hành, tư vấn… Từ thành công của dự án này, TTKC&TVPTCN sẽ hỗ trợ thêm nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.