Kinh tế
Doanh nghiệp và kỹ năng giao tiếp
Một trong những hạn chế lớn của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hiện nay là những kỹ năng trong quản trị DN còn thiếu và yếu, nhất là kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, nhiều đơn vị than vãn họ gặp khó khăn khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền như tốn kém thời gian, nhiều loại chi phí không chính thức.
Doanh nghiệp nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong đơn vị cũng như cá nhân người lao động. (ảnh minh họa) |
Một số DN nêu lên thực tế, thời gian qua, thành phố nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hướng đến tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người dân nói chung, cộng đồng DN nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận cán bộ, công chức cố tình gây “khó dễ” trong quá trình tiếp nhận, xử lý những vướng mắc của DN.
Trao đổi tại lớp bồi dường kỹ năng cho DN vừa diễn ra vào cuối tháng 6-2015, ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho rằng, một trong những rào cản khiến việc giao tiếp, tiếp xúc giữa DN và các cơ quan hành chính còn hạn chế là do đôi bên chưa thực sự biết, hiểu về nhau để cùng hành động và cộng tác. Để khắc phục phần nào “lỗi” này, theo ông Sơn, DN cần chú trọng xây dựng cho mình uy tín và hình ảnh đẹp trong giao tiếp thông qua uy tín, tiếng vang trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình thức, lời nói, thái độ khi tiếp xúc với đối tác…
Ở một khía cạnh khác, tại Hội nghị tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chỉ ra một hạn chế của cộng đồng DN là thiếu kiên nhẫn trong lắng nghe và đôi lúc chưa thực sự có tinh thần hợp tác với chính quyền.
Ông Võ Duy Khương nêu rõ, bản thân DN có rất nhiều thắc mắc cần giải đáp, gửi ý kiến lên trình bày rất hùng hồn nhưng đến lúc thành phố tổ chức cuộc họp, mời lên để làm việc thì chỉ cử nhân viên bình thường đến dự nên tốn một buổi làm việc mà không giải quyết được gì.
Có trường hợp, lãnh đạo thành phố mời đích thân một vị thứ trưởng của Bộ Công thương nói chuyện về các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, đắn đo suy nghĩ mãi cũng mời được cả trăm đại diện đơn vị đến dự nhưng chỉ được nửa buổi là bỏ về hết. Ông Võ Duy Khương mong muốn, trong khi chính quyền đã có những biện pháp nhằm “xích” lại gần hơn với DN thì bản thân DN cũng cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình.
Để góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp của DN, ông Chế Viết Sơn đề xuất DN chủ động xây dựng và ban hành thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của đơn vị nhằm tạo ra những chuẩn mực ứng xử đối với người lao động; làm căn cứ để đánh giá phẩm chất đạo đức, lối sống của người lao động làm việc trong DN để họ có trách nhiệm tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân.
Bộ quy tắc này sẽ đưa ra những quy tắc ứng xử cụ thể của người lao động trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao; ứng xử với đồng nghiệp, với cơ quan, tổ chức, cá nhân ở bên ngoài DN; ứng xử của lãnh đạo, quản lý DN đối với người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Bài và ảnh: Khánh Hòa