Kinh tế

Triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng

07:40, 30/09/2015 (GMT+7)

* Lùi thời gian ngắt sóng truyền hình tương tự analog đến ngày 1-11-2015

Đà Nẵng sẽ lùi thời gian ngắt sóng truyền hình tương tự analog đến ngày 1-11. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son tại phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam được tổ chức vào ngày 29-9 tại Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÂN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÂN

Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam được các đại biểu đánh giá là cuộc họp quan trọng hơn 8 cuộc họp lần trước, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong việc rút kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình ở Đà Nẵng cho các địa phương khác học tập. Đà Nẵng là địa phương triển khai thí điểm Đề án số hóa truyền hình đầu tiên trên cả nước, hoàn thành Đề án vào ngày 30-6-2015.

Theo Báo cáo của Sở TT&TT thành phố, để người dân trên địa bàn thành phố có điều kiện xem truyền hình, Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ đầu thu cho 745 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Trung ương. Ngoài ra, Đà Nẵng còn thực hiện hỗ trợ đầu thu cho 5.043 hộ theo chuẩn riêng của thành phố theo các diện: hộ nghèo không còn sức lao động, hộ đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc Cơtu.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn do Thông tư hướng dẫn của Bộ có hiệu lực từ 3-9, đến ngày 24-9 mới chọn được nhà thầu, dẫn đến việc lắp đặt đầu thu cho các hộ trên địa bàn huyện Hòa Vang trễ hơn so với dự định ban đầu. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ tích cực từ UBND xã, các trưởng thôn và đơn vị trúng thầu, trong những ngày qua, Đà Nẵng cũng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Nhiều hộ dân đã vui mừng trước chủ trương đúng đắn của thành phố cũng như đánh giá cao về chất lượng truyền sóng tại địa phương. Ông Cẩm cho biết, bộ đầu thu được hỗ trợ cho người dân nghèo lần này sẽ nối sóng được 39 kênh truyền hình địa phương và Trung ương cùng với 2 kênh radio là VOV1 và VOV3 giúp người dân theo dõi mọi thông tin thời sự, các chương trình giải trí cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc ngừng phát sóng 3 kênh truyền hình tương tự gồm VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1 tại Đà Nẵng vào ngày 1-7 đã đem lại hiệu quả tích cực. Thực tế cho thấy, việc ngừng phát sóng 3 kênh truyền hình này đã có tác động tích cực đến việc triển khai Đề án số hóa truyền hình tại Đà Nẵng. Lượng người xem kênh chương trình DRT2 tăng cao khiến Đài DRT phát huy được vai trò tích cực tại khu vực.

Các hộ dân trên địa bàn thành phố cũng đã chuyển nhanh sang thu xem chương trình truyền hình số mặt đất. Số liệu thống kê của Cục tần số vô tuyến điện, chỉ trong vòng 1 tuần kể từ ngày 1-7, tại khu vực Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, đã có thêm 25.000 hộ dân chuyển sang sử dụng truyền hình số mặt đất. Trong khi đó, báo cáo của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền và số lượng đầu thu truyền hình số mặt đất bán ra, nếu việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo hoàn thành thì sẽ có khoảng 91-99% số hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn Đà Nẵng thu được truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình Internet.

Lắp đặt đầu thu số cho các hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Lắp đặt đầu thu số cho các hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Về tình hình phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Đà Nẵng, theo dự kiến, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ triển khai 3 máy phát DVB-T2, trong đó 1 máy phát chính đặt tại Sơn Trà, 1 máy phát phủ sóng vùng lõm tại Hòa Bắc và 1 máy phát phủ sóng vùng lõm tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa được lắp đặt do máy bị lỗi thiết bị. Sở TT&TT cũng đề nghị VTV sớm lắp đặt trạm phát lại tại xã Hòa Sơn vì đây là địa bàn đông dân cư. Đại diện VTV cho biết, sẽ khắc phục sự cố và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trạm phát lại tại xã Hòa Sơn trong tháng 10.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đánh giá cao công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình tại địa bàn thành phố thời gian qua; công tác khảo sát đối tượng được hỗ trợ đầu thu cũng như việc triển khai lắp đặt đầu thu số cho các hộ nghèo và cận nghèo được thực hiện theo đúng tiến độ do chính người dân nghiệm thu và ký vào biên bản ghi nhận.

Phó Chủ tịch cũng đề nghị VTV sớm lắp đặt trạm phát lại tại xã Hòa Sơn để tạo điều kiện cho người dân được xem truyền hình với chất lượng tốt nhất, đề nghị Bộ TT&TT cho lùi thời gian ngắt sóng truyền hình tương tự analog tại Đà Nẵng đến sau thời gian tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá cao việc triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đến đời sống của đông đảo người dân, đặc biệt là người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền được phối hợp nhịp nhàng; đấu thầu công khai và minh bạch.

Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm về việc triển khai số hóa tại Đà Nẵng. Bộ trưởng đồng ý cho lùi thời gian ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất của Đà Nẵng đến ngày 1-11.

Tin và ảnh: Hoàng Hân

.