Kinh tế
Liên kết xây dựng chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
Ngày 5-11, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuỗi giá trị thủ công mỹ nghệ - Thực trạng và giải pháp”; thu hút sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Thủ công mỹ nghệ (TCMN) được đánh giá là một trong những ngành có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Là ngành hàng mà sản phẩm có tỷ lệ nội địa cao, ít bị cạnh tranh nên có nhiều cơ hội phát triển và hội nhập. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành TCMN còn bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn như: Đa số các cơ sở sản xuất hàng TCMN quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm còn hạn chế, mức độ cơ khí hóa để tăng năng suất lao động rất yếu… Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian đến, đặc biệt phải đẩy mạnh việc liên kết, liên doanh xây dựng chuỗi giá trị (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ) có ý nghĩa sống còn với ngành hàng này…
Ngoài các tham luận của Sở Công thương, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và Làng nghề trầm hương Nông Sơn (Quảng Nam), hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu đưa ra những ý kiến phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động của các làng nghề truyền thống hiện nay; từ đó, đề xuất những giải pháp quan trọng để ngành hàng TCMN phát triển và hội nhập trong tương lai.
Đức Thịnh