Kinh tế

Ngành dệt-may tận dụng thời cơ "vàng"

07:29, 06/11/2015 (GMT+7)

Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định với các nước, các khu vực trên thế giới như: FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và  nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vừa kết thúc giai đoạn đàm phám - với  thuế suất giảm dần về 0% sẽ đem lại lợi thế và cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho ngành dệt-may. Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), đây là thời cơ “vàng” cho ngành dệt-may hiện tại cũng như trong tương lai.

Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ đã đi tắt, đón đầu mở rộng nhiều chuyền may veston. Đây là một trong những mặt hàng chủ lực của Tổng Công ty hiện nay.
Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ đã đi tắt, đón đầu mở rộng nhiều chuyền may veston. Đây là một trong những mặt hàng chủ lực của Tổng Công ty hiện nay.

Đà Nẵng có khoảng gần 60 DN tham gia làm hàng dệt-may (kể cả các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), trong đó chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng cũng như giá trị do các DN của thành phố chỉ chiếm gần 2% sản lượng và giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Vì thế, tiềm năng phát triển của ngành dệt-may ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên là rất lớn.

Đặc biệt, với bản tính cần cù, ham học hỏi, nhân công Đà Nẵng và miền Trung đa số có tay nghề, được đánh giá cao khi làm việc tại các DN dệt-may ở TP. Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Những năm gần đây, các DN dệt-may ở Đà Nẵng mở rộng sản xuất nên số lao động này đang có xu hướng trở về quê hương làm việc.

Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các DN tăng năng suất và phát triển bền vững. Hiện nay, chi phí đầu tư cho ngành dệt-may thấp hơn so với các ngành khác, rất phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều DN. Điều đáng mừng là hầu hết các DN trên địa bàn, kể cả các DN FDI, đã có những kế hoạch trung và dài hạn để hội nhập, tự tin chờ triển khai các nội dung hiệp định. Hầu hết các DN đã và đang triển khai những kế hoạch đón đầu như mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, mẫu mã, chú trọng quảng bá thương hiệu để hội nhập một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) CP Dệt-may Hòa Thọ cho biết: Hiện TCT có 7 đơn vị thành viên và 3 công ty con, với gần 8.000 lao động. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của TCT năm 2015 đạt khoảng 140 triệu USD – là DN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt-may thành phố. Để hội nhập, từ nhiều năm qua, TCT đã mở rộng sản xuất, đầu tư thêm nhà máy sản xuất veston, tham gia liên kết với các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới để xuất khẩu hàng hóa.

Cơ sở hạ tầng đầy đủ, trang thiết bị được đổi mới với công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa tới gần 90%, hệ thống tổ chức sản xuất tốt, nhờ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác… Ưu điểm lớn của TCT hiện nay là lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề may tốt, có kỷ luật, chi phí lao động thấp so với khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, TCT sẽ liên kết với các DN dệt Việt Nam và các nước tham gia TPP để cung cấp sợi sản xuất vải làm nguyên liệu cho hàng may mặc xuất khẩu.

TPP mở ra nhiều cơ hội cho các DN dệt-may trong nước, tuy nhiên, đối với các DN nhỏ và vừa sẽ gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Chánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may Hòa Khánh cho rằng: Để tồn tại, mỗi DN cần có chiến lược mới, quyết liệt đổi mới công nghệ và quản trị, nhưng cũng cần có sự quan tâm của Nhà nước. Riêng công ty đã chọn giải pháp đầu tư phân khúc (từng công đoạn) phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Bước đầu công ty đã cơ bản hoàn thành công đoạn dệt-nhuộm, đáp ứng phần nào yêu cầu của TPP với công thức từ sợi trở đi. Mặc dù sản lượng chưa nhiều, nhưng cũng đủ cung cấp nguyên liệu cho toàn bộ quá trình sản xuất của công ty. Theo ông Chánh, để phát triển, các DN phải liên kết với nhau, khai thác lợi thế, năng lực thiết bị công nghệ, thị trường của nhau, kể cả liên kết, hợp tác cùng đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm đầu vào chất lượng cao cho may xuất khẩu.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3 chia sẻ: Công ty đang cùng các DN khác trong ngành chủ động tạo ra chuỗi liên kết về nguồn nguyên liệu, nhân lực, thiết bị công nghệ, thị trường; đồng thời liên kết với các nhà cung cấp nguyên liệu trong các nước tham gia TPP để bảo đảm nguồn cung; nhất là các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu. DN có chính sách hỗ trợ để các nhà cung cấp trong nước sản xuất được nguyên liệu đúng theo yêu cầu khách hàng, thị trường… nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, hướng tới phát triển ngành công nghiệp thời trang.

Để các DN dệt-may của thành phố nói riêng và các DN dệt-may cả nước nói chung thành công khi hội nhập, vai trò tác động của Hiệp hội Dệt-may, Tập đoàn Dệt-may Việt Nam, sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của thành phố có ý nghĩa rất lớn. Đặc biệt, các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN, hỗ trợ lãi suất vay thấp, chính sách hỗ trợ lao động dệt-may… sẽ giúp DN trước mắt ổn định, bảo đảm sản xuất, tái đầu tư đổi mới công nghệ.     

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.