Kinh tế

Giải pháp nào cho âu thuyền Thọ Quang?

08:07, 10/12/2015 (GMT+7)

Không ở đâu như Đà Nẵng, âu thuyền thiết kế chỉ là nơi đón tàu cá vào neo đậu mỗi khi có bão, lại gánh thêm nhiều chức năng khác như cảng cá, tàu bè vào nhận hàng hóa trước khi ra biển, tàu neo đậu chờ lên đà sửa chữa... Thực trạng này làm cho 58ha mặt nước âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) quanh năm ken dày tàu thuyền. Tình trạng quá tải càng bức bối hơn khi chủ trương nghiêm cấm tàu cá neo đậu trên sông Hàn.

Khu vực được đề xuất xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền ở phía nam vịnh Mân Quang.
Khu vực được đề xuất xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền ở phía nam vịnh Mân Quang.

Mỗi khi có bão, ngoài hơn 1.300 tàu cá của địa phương, hàng trăm chiếc của các tỉnh khác trong khu vực chọn âu thuyền Đà Nẵng làm nơi neo trú làm cho âu thuyền trong tình trạng quá tải.

Để có chỗ tránh trú, tàu nào cũng cố chen vào tìm nơi neo đậu. Thế là, khu vực chỉ thiết kế cho 800 tàu vào neo trú, bất đắc dĩ phải đón từ 1.300 - 1.500 chiếc, mỗi khi có bão. Mật độ neo đậu quá dày, tình trạng va đập, gây hư hỏng đã từng xảy ra.

Ông Trương Dũng, ở Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu QNg 92567 TS tâm sự: “Chỉ vì đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, bất đắc dĩ mới vào Đà Nẵng bán cá, chứ ở đây neo đậu tàu thuyền không thuận lợi.

Mật độ tàu ở âu thuyền Thọ Quang quá dày, mỗi khi vào ra rất khó khăn. Có chuyến, phải neo đậu phía ngoài chờ 2-3 ngày mới có chỗ vào cập cảng để bán cá. Khi có bão thì khốn khổ hết chỗ nói. Về sớm còn có chỗ neo đậu, về muộn có khi phải neo ngoài vịnh Mân Quang.

Để vào âu thuyền Thọ Quang bán cá, neo đậu mỗi khi có bão, chúng tôi phải cắt bớt chân cần cẩu gần 1 mét mới qua cửa thông thuyền dưới cầu Mân Quang được. Nói là trung tâm nghề cá của khu vực, nhưng nơi neo đậu tàu thuyền ở Đà Nẵng thua xa nhiều địa phương khác”.

Một ngư dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, trước đây, sau khi bán cá xong tàu chạy về sông Hàn neo đậu, vừa an toàn, vừa gần nhà, rất thuận tiện.

Từ ngày thành phố cấm neo đậu dọc sông Hàn, tàu chỉ biết vào âu thuyền chứ không còn nơi nào khác. Tàu dồn hết vào âu thuyền, không chỉ quá tải mà còn  ô nhiễm. Nhiều lúc, mùi hôi thối nồng nặc vẫn phải chịu, bởi không còn nơi nào khác để neo đậu tàu.

Có thể nói, hiện nay, tất cả các hoạt động của nghề cá Đà Nẵng đều dồn hết vào âu thuyền Thọ Quang. Quây kín 3 phía âu thuyền là hàng chục cơ sở đóng sửa tàu thuyền, sản xuất đá lạnh, cung cấp dầu nhớt, cảng, chợ cá... 58ha mặt nước âu thuyền tàu cá neo đậu gần kín, tàu ra vào không đơn giản.

Lãnh đạo thành phố và ngành chức năng đã khảo sát tìm địa điểm xây dựng neo đậu tàu thuyền tránh bão và thống nhất chọn khu vực phía nam vịnh Mân Quang, sát khu tái định cư xây dựng nơi neo đậu tàu thuyền.

Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Trần Văn Lĩnh, đại biểu HĐND thành phố, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho biết: Chính phủ đã chọn Đà Nẵng để xây dựng 1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Đây là cơ hội lớn cho thành phố phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.

Trong khi tàu cá đang có xu hướng tăng về số lượng và công suất, khâu hậu cần nghề cá cũng phải tương xứng. Nghề cá ở Đà Nẵng không thể phát triển nếu cứ “nhốt” mãi trong âu thuyền. Các cơ sở đóng tàu cũng chỉ dám đóng loại tàu có chiều cao thông thuyền dưới 6 mét, bởi cầu Mân Quang chỉ cao có vậy.

Không thể chậm trễ hơn được nữa, xây dựng cảng cá và nơi neo đậu tàu thuyền trú bão ngoài âu thuyền Thọ Quang là vấn đề cấp bách hiện nay. Qua nhiều lần khảo sát, nơi duy nhất có thể xây dựng các công trình này là khu vực mặt nước và quỹ đất phía nam vịnh Mân Quang”.

Hy vọng, thời gian không xa, Đà Nẵng sẽ có cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền, xứng tầm với trung tâm nghề cá lớn của cả nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

.