Kinh tế
Bài cuối: Đánh thức "thiếu nữ" sông Hàn
Trong quá trình quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan dọc sông Hàn, yếu tố quan trọng là đánh thức vẻ đẹp của “thiếu nữ” sông Hàn dưới bàn tay của chuyên gia thẩm mỹ để thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, tạo nên bản sắc của Đà Nẵng từ con sông này...
Việc khai thác các dịch vụ du lịch, văn hóa phải phù hợp với cảnh quan tổng thể của sông Hàn. |
Cần có sự hài hòa giữa xây dựng và bảo vệ
Trong tiềm thức của người dân Đà Nẵng, dòng sông Hàn được coi như một báu vật bởi giữa một đô thị loại I, phố xá thênh thang vẫn có được không gian thoáng đãng, mây nước hòa quyện nên thơ hữu tình.
Chiều chiều người dân thành phố thong dong đi dạo, tận hưởng không khí trong lành, yên ả. Vài năm gần đây, du khách đến Đà Nẵng ngày một đông, không hẹn nhưng dòng sông Hàn trở thành điểm đến.
Tuy nhiên, ngoài một số sự kiện lớn, các chương trình tổ chức dọc sông Hàn còn manh mún, nghèo nàn về nội dung, nhỏ lẻ về quy mô, chưa có điểm nhấn.
Mới đây, một số sản phẩm du lịch như kế hoạch phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2016 đang được xây dựng và từng bước hình thành.
Nhiều người tỏ ra lo ngại, nếu không có quy hoạch hài hòa giữa các công trình kiến trúc xây dựng với việc giữ gìn, bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên sẽ sớm khiến sông Hàn trở nên xô bồ và mất đi các giá trị vốn có.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP. Đà Nẵng (cũ), hội viên Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng, cho rằng không nên xây dựng với mật độ quá dày ở hai bên bờ sông, vì các công trình ở hai bên bờ sẽ tác động xấu đến cảnh quan sông Hàn, cản trở dòng chảy của nước.
Vì vậy, thay vì xây dựng các công trình kiến trúc, nên tạo thêm nhiều không gian xanh và có sự giãn cách phù hợp của các công trình. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm cho rằng, việc quy hoạch dòng sông Hàn hiện đang chạy theo các công trình, không có sự tham chiếu hài hòa, nhiều công trình đang được xếp cạnh nhau không có sự tương hỗ, nhất quán.
Đơn cử như việc xây dựng, hình thành các bến du thuyền nên phân đoạn theo thời gian, không nên xây đồng loạt. Phải tính được tại bến du thuyền đó, các thuyền sẽ đi theo tour, tuyến nào để đặt vị trí cho phù hợp, hoặc chuyên môn hóa các tàu thuyền như chỉ đi một tuyến cố định khi đó mật độ giao thông trên sông không bị rối.
Cũng quan tâm đến vấn đề quy hoạch tổng thể dọc bờ sông Hàn, TS Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cho rằng cần phải có tiêu chí nhất định, tìm ra được sự hài hòa, điểm nhấn để các công trình nương vào nhau, tạo thành từng khối công trình nhất quán.
Theo quan điểm của TS Mỹ Thanh, cái Đà Nẵng đang thiếu là tầm nhìn chiến lược hai bên bờ sông. Hiện nay, các công trình dọc hai bờ sông Hàn đang là sự chắp vá về ý tưởng, chưa đồng nhất về mục tiêu, có những công trình nhìn thì thấy đẹp nhưng lại đang phá vỡ cảnh quan chung hay các công trình xếp cạnh nhau dày đặc mà không cùng chủ đề sẽ trở nên khiên cưỡng và du khách không kịp thấy được ý nghĩa cũng như nét đặc sắc của công trình.
Xây dựng sản phẩm cụ thể
Để tạo nên các sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa dọc hai bờ sông Hàn, TS Mỹ Thanh cho rằng, nên lựa chọn những chương trình, hoạt động phù hợp với không gian vốn có, ví dụ như khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm nên có những tiết mục biểu diễn múa Chăm, hay một số chương trình mang tính dân tộc thì sẽ độc đáo và thu hút người dân cũng như du khách.
“Cụ thể hơn, cũng là sản phẩm du thuyền trên sông, ở một số nước trên thế giới như Pháp, Singapore, khách ngồi trên du thuyền, ngoài những thuyết minh cơ bản sẽ là không gian tĩnh lặng để du khách cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông, thành phố theo cách của riêng mỗi người. Hay đơn giản du thuyền trên sông Hương, du khách sẽ được nghe những bài ca Huế rất đặc trưng về những địa danh, về con người…
Đây là khoảng thời gian để du khách chiêm nghiệm, thấy được cái hay, cái đẹp của những nơi mình đã đi qua. Trong khi đó, hiện nay tại Đà Nẵng, một số tàu, du thuyền trên sông Hàn đang kéo khách sử dụng dịch vụ bằng hình thức phục vụ ăn uống, mở nhạc ầm ĩ, khiến du thuyền trên sông Hàn đang giống như những nhà hàng nổi, du khách không còn thời gian thưởng thức hay ngắm cảnh đẹp trên sông nữa. Chưa kể đến việc chất thải từ các du thuyền này liệu có được xử lý trước khi đưa ra môi trường?”, TS Thanh lo ngại.
Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng đề xuất, phải xây dựng được những hoạt động “đinh” của mỗi sản phẩm. Với đường sông, các phương tiện trên sông nên có một mẫu thiết kế chung, có thể là tái hiện mô hình thuyền Chăm cổ và dùng những thuyền này để chở khách.
Mặt khác, cảnh quan hai bên bờ sông hiện chưa có điểm nhấn đặc sắc, các điểm dừng tour, tuyến còn yếu; vì vậy, phải có sự tham gia của những người có chuyên môn khi quy hoạch để có những phương án cải tạo cảnh quan ở tầm nhìn từ dưới thuyền, có như vậy mới đảm bảo lâu dài và tính hiệu quả cao.
Hiện nay, phía đường Bạch Đằng, buổi tối, khách nước ngoài bắt đầu hút về các quán bar mini nghe nhạc và ngắm đường phố, nên chăng có những giải pháp để đưa dọc sông Hàn trở thành phố Tây?
Cái gốc của vấn đề phải hình thành một chuỗi sản phẩm phù hợp cao với những đối tượng nhất định như loại hình dịch vụ homestay. Nên có mô hình cụ thể và định hướng người dân đầu tư phù hợp với loại hình khách, từ đó đưa những tiện ích đường phố kèm theo như vẽ tranh, âm nhạc, vui chơi, ăn uống…
Có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh việc quy hoạch, phát triển các dịch vụ ven bờ sông Hàn, nhiều kế hoạch, chương trình được xây dựng nhưng đến nay sông Hàn vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng, hoàn chỉnh.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết mới đây UBND thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, Sở đang từng bước triển khai theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Sở cũng có dự thảo tham mưu, đề xuất với thành phố một số nội dung tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn trong năm 2016 như bên cạnh các hoạt động nhân các sự kiện lớn, có thể tổ chức biểu diễn âm nhạc đường phố vào tối thứ bảy mỗi tháng 2 lần; biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem cầu Rồng phun lửa, phun nước vào tối thứ bảy hằng tuần; tổ chức biểu diễn thí điểm nhạc hơi; biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào tối chủ nhật hằng tuần; hoạt động “Sân chơi cuối tuần” vào tối chủ nhật mỗi tháng hai lần… Những hoạt động này sẽ góp phần làm sôi động đôi bờ sông Hàn, người dân và du khách có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm nhấn mạnh, các công trình phải có sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc, mật độ giao thông, các không gian công cộng nên được bảo tồn, làm đẹp bằng cây xanh.
Nếu giãn các công trình, các hoạt động văn hóa giải trí cách xa nhau, đưa đến vị trí mới (thay vì tập trung ở khu trung tâm) thì sẽ sớm hình thành thêm những khu trung tâm mới của thành phố, khi đó sông Hàn sẽ thoáng mà vẫn có nhiều tiện ích.
Bài và ảnh: Thu Hà