Kinh tế
Tiểu thương chợ Nại Hiên: Mong ổn định buôn bán cuối năm
Các hộ đã kinh doanh ở đây nhiều năm, đời sống thu nhập gắn chặt với chợ. Nếu phải chuyển đổi mô hình hay di dời theo chủ trương của thành phố thì chúng tôi cũng đồng tình. Chỉ mong chính quyền bằng cách nào đó hỗ trợ bà con mua bán thuận lợi hơn trong thời gian tới… Đó là tâm tư, nguyện vọng của hàng chục tiểu thương chợ Nại Hiên (đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) trước phương án hình thành chợ mới.
Hầu hết hộ kinh doanh chợ Nại Hiên đều mong muốn được bố trí kinh doanh ngành hàng phù hợp. |
Theo đề xuất của UBND quận Hải Châu, chợ Nại Hiên dự kiến có tên gọi mới là chợ Cham Pa. Đây sẽ là chợ chuyên bán hàng lưu niệm đầu tiên tại Đà Nẵng với các mặt hàng đặc sản về ẩm thực, hải sản tươi sống, đồ thổ cẩm, may mặc, sản phẩm truyền thống của Đà Nẵng và miền Trung...
Mục đích đầu tư chợ mới là làm cho bộ mặt thành phố du lịch khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng cao của người dân và du khách. Nếu phương án chính thức được phê duyệt, chợ được xây dựng 5 tầng và một tầng hầm, với tổng mức đầu tư khoảng 39 tỷ đồng bằng hình thức xã hội hóa…
Thông tin này khiến đông đảo tiểu thương đang buôn bán tại đây không khỏi băn khoăn, lo lắng. Chị Lê Thị Thu Hương (ngành hàng gia vị) nói: “Không lo sao được khi chị em chúng tôi buôn bán ở đây đã hàng chục năm, nhiều thế hệ trong gia đình đều bám trụ ở chợ này để mưu sinh.
Giờ thay đổi, cuộc sống chắc chắn sẽ gặp xáo trộn”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chợ Nại Hiên hoạt động từ năm 1954, ban đầu chỉ là những chòi lá đơn sơ, tạm bợ. Qua năm tháng, chợ dần chỉnh trang, đến năm 2006 được đầu tư xây dựng khang trang với diện tích trên 600m2, gồm 2 tầng, quy mô chợ loại 3 do UBND phường quản lý.
Chợ có 33 hộ tiểu thương buôn bán cố định và 44 hộ hàng rong đang hoạt động. Dù chợ không lớn, nhưng nằm ở khu vực trung tâm thành phố, việc buôn bán trong phạm vi địa phương khá thuận lợi.
20 năm làm nghề sửa chữa quần áo, chị Nguyễn Thị Hoa (trú tổ 71, phường Bình Hiên) chia sẻ: “Dù chỉ đặt một bàn máy may trong cái ô vuông chừng hơn 1m2, nhưng ngày mưa, ngày nắng tôi cũng đều có việc để làm. Công việc tưởng chừng vụn vặt đó đem lại thu nhập vừa đủ để lo cho con cái ăn học. Nói thật, tôi buôn bán từ năm 16 tuổi, hoàn cảnh khó khăn nên trình độ học vấn không cao, bây giờ muốn làm việc ở công ty, nhà máy cũng khó”.
Cùng buôn bán lâu năm, chị Nguyễn Thị Hải (trú tổ 29) bày tỏ nỗi niềm: “Tôi ở chợ đã lâu rồi, tuy mức thu nhập không cao nhưng cũng lo đủ cho cả nhà. Những chị em lớn tuổi như chúng tôi ai cũng muốn gắn bó với chợ cũ. Lâu nay tụi tui bán những ngành hàng quen thuộc với người dân địa phương, nếu sắp tới bán mặt hàng khác không biết có bán được như trước không. Trường hợp phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh mới, chúng tôi chỉ mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ về vốn để đầu tư lô, quầy, nguồn hàng...”.
Các tiểu thương khi nghe giải tỏa chợ hay sắp xếp lại rất lo lắng. Điều này có thể hiểu được bởi vì công việc buôn bán dù lớn hay nhỏ cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho mỗi gia đình. Hầu hết, người dân rất quan tâm đến thông tin thời điểm nào phải di dời, trong quá trình xây chợ mới phải tạm nghỉ việc buôn bán sẽ ra sao. Sau khi có chợ mới sẽ đóng phí, thuế có cao hay không…
“Thành phố đã có chủ trương, chúng tôi cũng đồng tình ủng hộ và chấp hành, nhưng cơ quan chức năng cần sớm thông báo cụ thể để tiểu thương chuẩn bị, lựa chọn cho riêng mình. Nhất là thời điểm cuối năm, rất mong được tạo điều kiện buôn bán ổn định để đón Tết”, bà Võ Thị Hồng Vân (ngành hàng sành sứ, nhựa) kiến nghị.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Công, Phó phòng Kinh tế quận Hải Châu, cho biết Công ty CP Công viên Mỹ Khê đang tiến hành các bước khảo sát, lập hồ sơ trình thành phố và các sở, ban, ngành thẩm định. Cũng như các chợ trên địa bàn khi chuyển đổi mô hình, các nhà đầu tư cũng đã tính tới những phương án thuận lợi nhất cho người dân.
Trong đó việc di dời tạm và bố trí lại theo tiêu chí đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ kinh doanh cũng như xác định rõ thời hạn, tiến độ xây dựng và phương thức khai thác khi đi vào hoạt động. Mặc dù, hiện tại các phương án chưa trình ra cụ thể, nhưng phía UBND quận đã cân nhắc những thời điểm nhạy cảm, không để gây xáo trộn làm ảnh hưởng hoạt động buôn bán của người dân trong dịp lễ Tết, cuối năm.
Bài và ảnh: Duyên Anh