Kinh tế

Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN

Nỗi lo nhân lực ngành du lịch

08:08, 29/01/2016 (GMT+7)

Chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ của ngành du lịch, bởi bên cạnh những thuận lợi, nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng phải cạnh tranh với lao động từ các nước trong khu vực.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực du lịch ở Đà Nẵng không chỉ thiếu hụt ở các vị trí cao cấp như quản lý nhà hàng, khách sạn, lữ hành… mà ngay cả lực lượng lao động trực tiếp như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, buồng phòng… vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Rào cản ngoại ngữ

Đa số người sử dụng lao động đều nhận thấy bên cạnh những kỹ năng nghề, rào cản lớn nhất của lao động trong nước là trình độ ngoại ngữ. Trong khi các nước trong khu vực có sự chuẩn bị dài hơi cho sự kiện này từ vài năm trước như gửi sinh viên đi thực tập ở nước ngoài, dạy cho sinh viên du lịch về hội nhập, sự khác biệt về văn hóa khi làm việc ở nước ngoài…

Đến nay, nhiều lao động của họ tự tin dịch chuyển tới các nước trong khu vực để làm việc thì lao động của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn còn lúng túng do thiếu các kỹ năng. Ngay các cơ sở đào tạo vẫn loay hoay không biết nên đào tạo chương trình nào vì hiện có tới 3 bộ tiêu chuẩn trình độ nghề gồm: Tiêu chuẩn theo Chương trình VTOS của Dự án EU; Tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Tiêu chuẩn nghề tham khảo các nước ASEAN của Tổng cục Dạy nghề.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours chia sẻ, khi đưa đối tác đi khảo sát ở một số khu nghỉ dưỡng ven biển của Đà Nẵng, Hội An thấy đội ngũ lễ tân của một số khu nghỉ dưỡng nói tiếng Anh rất giỏi, khi được hỏi thì đa số họ đến từ một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia…

“Các nước trong khu vực khi làm việc họ không đưa ra tiêu chuẩn về ngoại ngữ nào hết mà họ coi đó là ngôn ngữ thứ hai, tức là các nước đó xác định mặc nhiên coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Hy vọng chúng ta cũng sớm có chiến lược từ các cấp cao trở xuống, xác định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, từ đó đào tạo đồng nhất sẽ thuận lợi hơn cho lao động khi ra làm việc”, ông Tùng bày tỏ.

Cũng vì trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực trong nước hạn chế nên nhiều doanh nghiệp rất phân vân khi tuyển dụng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Giám đốc Nhân sự Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cho biết, khi làm công tác tuyển dụng chúng tôi “buộc lòng” phải ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ ngoại ngữ, còn chuyên môn, nghề chúng tôi có thể tự đào tạo, bổ sung sau.

Cần có các trung tâm thẩm định nghề

Theo ước tính của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, năm 2015, tổng số lao động ngành du lịch trên toàn thành phố khoảng 24.975 lao động, dự báo đến năm 2020 tổng số lao động ước khoảng 33.044 lao động.

Một số doanh nghiệp cho rằng do sự chuẩn bị chưa kỹ nên khi gia nhập AEC, tuyển dụng những vị trí quan trọng như quản lý, điều hành cấp cao lao động trong nước thường bị “lép vé” hơn so với một số nước trong khu vực.

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng thấy rằng, việc hội nhập AEC là cơ hội cho ngành du lịch của nước ta, tuy nhiên thách thức nhiều hơn cơ hội bởi theo đánh giá chung về năng lực của các nước trong khu vực có nhiều yếu tố mạnh hơn chúng ta.

Thời gian chuẩn bị cho hội nhập của chúng ta còn quá chậm, nhiều kỹ năng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí việc áp dụng tiêu chuẩn nào để đánh giá chất lượng cũng chưa thống nhất. Vì vậy, ông Trần Lực đề xuất nên áp dụng luôn tiêu chuẩn nghề của ASEAN, đồng thời phải có các trung tâm đánh giá về tiêu chuẩn đào tạo nghề. Nếu trường nào đào tạo ra mà chứng chỉ không được công nhận thì ngay từ đầu không nên cho đào tạo.

Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thanh Tùng cũng cho rằng, việc thành lập trung tâm thẩm định nghề là cần thiết, đồng thời thành lập ngay hiệp hội đào tạo du lịch Đà Nẵng để kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo.

Ông Tùng phân tích, hiện nay, việc đưa sinh viên đến Việt Nam và các nước trong ASEAN được một số nước thực hiện khá lâu rồi, riêng Việt Nam đưa giáo viên đi nước ngoài cũng khó, nói gì tới việc đưa sinh viên, vì vậy ông đề xuất nên tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam đi thực tập ở nước ngoài, khi đó họ sẽ có cơ hội thực hành tiếng cũng như cọ xát về các kỹ năng nghề nhiều hơn; đồng thời các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nên có tiếng nói chung như gửi sinh viên đi thực tập thời gian lâu hơn và nên vào các dịp doanh nghiệp đang cần lao động.

Gia nhập AEC là một cơ hội lớn của ngành du lịch. Thị trường lao động mở cửa, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực, bản thân người lao động muốn giữ được việc làm, vị trí của mình thì phải nâng cao nghiệp vụ, kiến thức cũng như các kỹ năng. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được với nguồn nhân lực của các nước trong khu vực.

Nhật Hạ

.