Kinh tế

Taxi giảm giá cước, xe khách vẫn... chờ

08:26, 24/02/2016 (GMT+7)

Sau khi giá xăng trên thị trường tiếp tục giảm gần 1.000 đồng/lít từ chiều 18-2 và cũng là lần thứ 4 giá xăng giảm tính từ đầu năm 2016 với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thúc giục các doanh nghiệp vận tải phải nhanh chóng giảm giá cước vận tải với mức tương ứng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến sáng 23-2, trên địa bàn thành phố chỉ có Hiệp hội taxi đã họp và thống nhất mức giảm giá, trong khi đó, vận tải hành khách tuyến cố định hầu hết đang trong trạng thái... chờ và hứa sẽ điều chỉnh.

Giá cước taxi trên địa bàn thành phố sẽ giảm 700 đồng/km.
Giá cước taxi trên địa bàn thành phố sẽ giảm 700 đồng/km.

Theo ông Võ Đình Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố, trong ngày 22-2, Hiệp hội đã họp và thống nhất mức giá cước giảm đợt này là 700 đồng/km, dự kiến trong ngày 23 hoặc 24-2 (tùy hãng) sẽ áp dụng khung giá mới này. Tuy nhiên, đây chỉ là mức “trần” đưa ra chung cho đợt giảm giá tính từ đầu năm đến nay, nếu trong thời gian qua, hãng taxi nào đã giảm giá rồi thì lần này có thể giảm ít hơn.

Ví dụ như taxi Mai Linh trước Tết đã giảm 500 đồng/km thì lần này chỉ giảm 200 đồng/km. Trưởng phòng Kinh doanh một hãng taxi trên địa bàn thành phố bày tỏ: “Cứ mỗi lần giá xăng trên thị trường giảm thì gần như ngay lập tức hành khách và cả cơ quan chức năng yêu cầu chúng tôi phải điều chỉnh giá theo.

Tuy nhiên, phải hiểu rằng, với cơ chế xây dựng giá cước như hiện nay, nhanh nhất phải mất 1 tuần lễ mới xong, hiển nhiên kèm theo đó là các doanh nghiệp taxi chịu thêm một phần kinh phí khá lớn cho việc điều chỉnh này.

Thế nhưng, với cách khoán chỉ tiêu xăng cho tài xế như hiện nay thì nếu giá xăng giảm chỉ có tài xế hưởng phần chênh lệch này, còn doanh nghiệp không được hưởng gì nên chúng tôi chỉ mong giá xăng ổn định để việc kinh doanh thuận lợi thôi”.

Trong khi đó, tình hình tại các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định lại gần như “án binh bất động”. Khảo sát của chúng tôi tại các quầy vé ở Bến xe Trung tâm thành phố sáng 23-2, các nhân viên bán vé đều cho biết đã giảm giá cước... lệch chiều trong đợt cao điểm Tết vừa qua?!

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách (xin giấu tên) tỏ ra khá bức xúc cho rằng, dư luận và cơ quan chức năng mới nghe giá xăng giảm là yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá cước ngay. Thế nhưng, người tiêu dùng không biết rằng giá xăng giảm chứ giá dầu không giảm, trong khi đó hầu hết xe khách hiện nay đều sử dụng dầu chứ không phải xăng.

Mặc dù vậy, đại diện của quầy vé nhà xe Đình Nhân cho biết, đến 23-2, giá xe giường nằm Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh vẫn 750.000 đồng/người, đến ngày 25-2 sẽ áp dụng giá mới điều chỉnh theo giá xăng dầu trên thị trường đã giảm. Đại diện của quầy vé Thuận Thảo cũng cho biết, hiện nay giá vé ghế ngồi Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh vẫn 450.000 đồng và đến ngày 28-2 mới giảm, còn khoảng 410.000 đồng/vé.

Giá xăng, dầu được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng giá cước vận tải. Tuy nhiên, với việc xây dựng giá cước còn khá phức tạp và qua nhiều cửa như hiện nay vô tình khiến cho nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì hụt hơi không theo kịp, còn với một số doanh nghiệp làm ăn kiểu “tranh thủ” lại xem đó như là lý do để “cù cưa” trong việc đưa ra giá cước mới.

Bài và ảnh: Thanh Vân

.