Kinh tế

Mở cửa cho vay ngoại tệ đến 31-12-2016: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

07:20, 04/06/2016 (GMT+7)

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1-6, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tiếp tục cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn. Điều này đã giúp các doanh nghiệp (DN) giải quyết khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh.

Việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay.Trong ảnh: Công nhân dây chuyền may trang phục xuất khẩu tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay.Trong ảnh: Công nhân dây chuyền may trang phục xuất khẩu tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hương Quế nói, việc NHNN mở lại cho DN vay ngoại tệ từ ngày 1-6 là một trong những động thái tích cực, chứng tỏ Chính phủ, lãnh đạo ngành ngân hàng đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và xem xét các khó khăn của DN thời gian qua.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cũng cho rằng, việc mở lại tín dụng để các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ có thể vay được ngoại tệ với lãi suất thấp, từ đó giúp giảm được chi phí vốn cho DN.

Cuối tháng 3-2016, NHNN ban hành Thông tư 24 quy định các DN xuất khẩu không được vay vốn bằng ngoại tệ. Theo các DN, từ khi NHNN ngưng cho vay ngoại tệ đến nay, các DN xuất khẩu phải chuyển sang vay VNĐ với lãi suất cao.

Ông Sơn cho biết, việc ngưng cho vay ngoại tệ đã khiến DN rơi vào thế khó; nhất là đối với các hợp đồng đã ký, nếu chấm dứt sẽ gây mất uy tín cho DN mà tiếp tục duy trì thì DN phải chịu lỗ, đằng nào DN cũng thiệt hại. Vì vậy, việc NHNN mở cửa trở lại đã phần nào giúp DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng giảm được chi phí lãi vay, giảm giá thành sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Kế toán trưởng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cho biết, việc NHNN mở cửa lại cho vay ngoại tệ đã tạo thuận lợi và kịp thời cho các DN, nhất là các DN xuất khẩu bởi khi DN được vay ngoại tệ trở lại, các chi phí tài chính của họ cũng được giảm bớt.

“Cuối tháng 3-2016, khi NHNN có chủ trương ngưng cho vay ngoại tệ, DN chúng tôi đã phải lên kế hoạch chuyển hướng kinh doanh và gặp một vài rắc rối trong thủ tục, chứng từ. Song, khi cửa vay ngoại tệ mở lại, chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn trong việc ký các đơn hàng xuất nhập khẩu. Chúng tôi cho đây là tín hiệu tích cực từ phía NHNN và hy vọng từ đây đến cuối năm, tình hình sản xuất của công ty sẽ khởi sắc hơn”, ông Nguyễn Văn Cường cho hay.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian qua, nhiều DN không vay được ngoại tệ chuyển sang vay nội tệ với lãi suất cao khiến DN gặp khó. Cụ thể, vay ngoại tệ lãi suất 3-4%/năm trong khi đó vay nội tệ lãi suất lại từ 7-8%/năm.

Trước đây, việc ngưng cho vay ngoại tệ nhằm mục đích chống đô-la hóa, song, trước tình hình sản xuất, kinh doanh và tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn như hiện nay thì việc NHNN mở lại cơ chế trên đã phần nào tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN.

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, NHNN đã quyết định cho các DN vay USD trở lại. Quy định này tuy chỉ dành cho đối tượng là các DN vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam và chỉ được thực hiện đến hết ngày 31-12-2016. Song, theo các DN, trước mắt đã tạo động lực cho các DN trong nước nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.