Kinh tế

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

08:20, 10/06/2016 (GMT+7)

Doanh nghiệp (DN) chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững với một môi trường kinh doanh lành mạnh, đi đôi với chất lượng cuộc sống của người dân và sự thịnh vượng của cộng đồng nơi DN hoạt động. Chính vì vậy, hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, đầu tư và hợp tác phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng mà cho cả chính DN. Đây là một tiêu chí rất quan trọng, góp phần tạo lên sự phát triển bền vững của DN khi Việt Nam hội nhập.

Công ty CP Xây dựng công trình 545 là đơn vị luôn làm tốt công tác từ thiện xã hội.  Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp thăm tặng quà người có công với nước .
Công ty CP Xây dựng công trình 545 là đơn vị luôn làm tốt công tác từ thiện xã hội. Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp thăm tặng quà người có công với nước .

Trách nhiệm xã hội của DN được thể hiện với nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như cùng với các cấp chính quyền, với nhân dân nơi DN hoạt động làm sạch môi trường, xây dựng các công trình công cộng và phúc lợi xã hội, hoặc chung tay cùng các cấp chính quyền và nhân dân khắc phục thảm họa thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán)... nhằm cải thiện môi trường sống, điều kiện sống cho dân cư.

Trong thực tế, từ nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã làm tốt việc này, góp phần quan trọng cùng thành phố thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội. Ví dụ như quyên góp ủng hộ đồng bào trong và ngoài nước bị thảm họa thiên tai, giúp nhân dân các vùng bị thiên tai nhanh chóng ổn định cuộc sống; tham gia các chương trình góp đá xây Trường Sa, ủng hộ ngư dân miền Trung… Tiêu biểu như Công ty CP Dệt may 29-3, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty Sông Thu – Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, hàng chục ngân hàng trên địa bàn… Những công trình điển hình trong thời gian gần đây như: Dự án “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu” do Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu vận động các nhà hàng, khách sạn trên một số tuyến đường có đông khách du lịch; góp phần tạo ra môi trường du lịch thân thiện của Đà Nẵng.

Hàng trăm ghế đá, những dụng cụ thể thao miễn phí… được đặt ở các tuyến đường du lịch, những công viên công cộng, những bữa ăn từ thiện ở các bệnh viện do các DN phối hợp với các nhà từ thiện, các tổ chức xã hội thực hiện đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho những bệnh nhân nghèo và tạo ra môi trường sống thân thiện cho người dân và du khách.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu cho biết, dự án xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng và dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” được triển khai nhằm hưởng ứng Năm văn hóa, văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng. Đến nay, dự án đã có khoảng 100 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký tham gia, có hơn 70 nhà vệ sinh đạt tiêu chí do Ban quản lý dự án đưa ra. Theo kế hoạch, dự án sẽ có khoảng 1.000 nhà vệ sinh công cộng có chủ đạt tiêu chí lịch sự, văn hóa.

Ông Nguyễn Hà Giang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Cẩm Lệ chia sẻ, hội làm công tác từ thiện xã hội đều đặn hằng năm như chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt nam anh hùng, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cứu trợ cho người nghèo tại phường và quận.

Các DN của thành phố đã và đang làm rất nhiều việc đối với cộng đồng, với thành phố nhằm  thể hiện trách nhiệm xã hội của mình; tuy nhiên, việc làm này mới chỉ mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào quan điểm, nhận thức của chủ DN, chưa coi đây là một việc làm bắt buộc, một tiêu chí để phát triển bền vững. Nhưng trong các điều khoản của các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia từ năm 2016 thì yêu cầu về trách nhiệm xã hội của DN được coi là một trong những điều kiện bắt buộc để hàng hóa của DN được các thị trường các nước trong hiệp định chấp nhận. Vì vậy, các DN cần tìm hiểu các quy định, luật pháp của các nước mà Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định và phải điều chỉnh phương thức kinh doanh, cách hành xử với môi trường với công động để phát triển trong tương lai.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.