Đầu tư cho ngành nước: Không thể chậm trễ - Bài cuối: Xây dựng đập ngăn mặn

.

Thời gian qua, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, công suất cấp nước chỉ còn đáp ứng 70% nhu cầu nước sinh hoạt của thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa đồng ý chủ trương xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Đây được xem là giải pháp mang tính cấp thiết hiện nay để giải quyết tình trạng bất ổn nguồn nước.

Cửa thu nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ là nơi khai thác nguồn nước chính để xử lý cấp cho thành phố.
Cửa thu nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ là nơi khai thác nguồn nước chính để xử lý cấp cho thành phố.

Để bảo đảm nhu cầu cấp nước sinh hoạt của thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đầu tư cấp nước vào khai thác nguồn nước thô đối với lưu vực sông Cu Đê qua Nhà máy nước (NMN) Hòa Liên.

Tuy nhiên, dự án này còn nhiều vướng mắc về phương án đầu tư, khó có khả năng đáp ứng nguồn cung cấp nước cho thành phố trong những năm đến. Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng NMN An Trạch công suất 120.000m3/ngày đêm để cung cấp nước cho khu vực đô thị phía nam, tây nam thành phố; giữ nguyên công suất lẫn hình thức thu nước tại NMN Cầu Đỏ như hiện tại, giảm dần công suất NMN Cầu Đỏ và tăng dần công suất NMN An Trạch để thay thế NMN Cầu Đỏ.

Phương án đề xuất đầu tư NMN An Trạch gắn với khai thác nguồn nước thô trên sông Yên gặp trở ngại bởi nguồn nước thô vào mùa khô cả hai địa điểm thu nước của nhà máy đều cạn kiệt. Nguồn nước thô vừa yếu vừa đổ ra biển cùng với đó là nước sông nhiễm mặn lại thâm nhập sâu.

Hơn nữa, việc vận hành xả nước phát điện của các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp nước. Để chủ động nguồn cấp nước, bên cạnh việc nâng công suất các nhà máy, Đà Nẵng đề nghị các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phối hợp vận hành xả nước về để đẩy mặn, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, độ mặn trên sông Cầu Đỏ tăng cao, dao động từ 1.695 mg/l đến 2.702 mg/l, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Trong khi đó, việc bơm nước thô từ đập An Trạch về NMN Cầu Đỏ để xử lý tốn quá nhiều kinh phí.

Bởi vậy, cần phải xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để lấy nước thô gắn với việc đầu tư nâng công suất NNM Cầu Đỏ, NMN Sân bay.

Ngày 9-6-2017, UBND thành phố có Công văn số 4319/UBND-QLĐTh đề cập việc xây dựng công trình ngăn mặn cho hệ thống cấp nước thành phố và chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở nghiên cứu toàn diện hệ thống cấp nước.

Một năm sau, ngày 20-9-2018, UBND thành phố tiếp tục có Văn bản số 7287/UBND-QLĐTư, trong đó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kết luận: cho phép Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tăng phương án cấp nước thô cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay.

Trước đó, ngày 15-8-2018, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND thành phố đề xuất giải pháp xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Sở Xây dựng cũng cho biết phương án chống nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ thời gian qua chỉ thực hiện phương án chuyển nước thô từ An Trạch về NMN Cầu Đỏ, cũng khó bảo đảm mức độ an toàn liên tục cho hoạt động cấp nước thành phố.

Hiện nay, NMN Cầu Đỏ được nâng công suất thêm 60.000m3/ngày đêm. Do đó, để nâng cao mức độ an toàn trong việc cấp nước lẫn bảo đảm an toàn nguồn nước cũng cần tính đến các phương án bổ sung là xây đập ngăn mặn, nâng cấp và cải tạo đập An Trạch... Tại Công văn số 2295/STNMT-TNN ngày 24-7-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thống nhất về sự cần thiết trong việc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ.

Xây đập ngăn mặn như thế nào?

Ông Bùi Thọ Ninh, Giám đốc Ban Kế hoạch Dawaco cho biết hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật và thiết kế hiện đại, đa công năng để xây dựng đập ngăn mặn. Các giải pháp thi công được rút ngắn thời gian, tự động hóa vận hành khai thác, giá thành hợp lý.

“Nếu việc đầu tư đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ được triển khai thì Dawaco sắp xếp được nguồn vốn đầu tư”, ông Ninh nói. Phân tích về chất lượng nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ, ông Ninh cho biết Dawaco đã nghiên cứu và đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất và tự động hoàn toàn trong lĩnh vực xử lý nước sạch bảo đảm tất cả các yếu tố về kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt chất lượng nước sau xử lý đáp ứng quy chuẩn Việt Nam do Bộ Y tế ban hành đối với chất lượng nước sinh hoạt và ăn uống.

Công nghệ mới trong xử lý nước hỗ trợ vận hành tự động tại các khu vực xử lý như tại các bể trộn, bể phản ứng - lắng lamen; bể lọc Aquzur-V; bể chứa nước; các trạm bơm cấp 2 và bơm rửa lọc; bể tiếp nhận nước xả lọc, xả kiệt bể lắng; bể cô đặc bùn; sân phơi bùn; nhà hóa chất Clo; cùng hệ thống thiết bị bơm tiêu chuẩn chất lượng cao...

Vừa qua, một nhóm nghiên cứu của giảng viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã thực hiện đề tài về xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Theo đó, nhóm cho rằng khi xây dựng công trình ngăn mặn tại Cầu Đỏ cần chú ý đến yếu tố biến đổi khí hậu với phương án xây đập ngăn mặn tại sông Cầu Đỏ theo kết cấu công trình ngăn nước dạng cống.

“Qua nghiên cứu mô phỏng ngập lụt ứng với tần suất 1% và biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng vào năm 2050 thì công trình ngăn mặn gây mức độ gia tăng ngập lụt khu vực trên vùng trên thân tăng không quá lớn do khi có lũ các cửa van đều mở.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng là tương đối lớn ứng với tần suất 1% thì mực nước sông Cầu Đỏ tăng 0,35m nên khi xây đập cần chú ý đến yếu tố biến đổi khí hậu”, nghiên cứu của nhóm này nêu rõ.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.