Sau khi đăng loạt bài về “Đầu tư cho ngành nước: không thể chậm trễ” (ngày 4 và 5-10), Báo Đà Nẵng đã nhận được một số ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về chủ trương xây đập ngăn mặn tại sông Cầu Đỏ…
Kỹ sư Sytze Jarigsma, chuyên gia của Công ty Vitens – Evides International (đối tác triển khai chương trình ODA của Chính phủ Hà Lan):
Nhà máy thủy điện phải “trả giá” đầu tư đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ
Hơn 10 năm làm chuyên gia tư vấn ngành nước ở nhiều quốc gia khu vực châu Á, Đông Nam Á, cơ duyên tôi gắn bó với thành phố rất lâu. Tôi đã nghiên cứu và ghi nhận từ năm 2012 đến nay, mức độ gia tăng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ quá nghiêm trọng và kéo dài. Tôi đã đề xuất 4 phương án bảo đảm nguồn cung cấp nước cho thành phố, tuy nhiên, 2/4 phương án tôi lựa chọn là các công trình thủy điện ở tỉnh Quảng Nam xả nước đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, hoặc là xây đập ngăn mặn để bảo đảm nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động sản xuất nước sạch cung cấp cho đô thị. Qua tính toán, riêng Thủy điện Đắc Mi 4, nếu xả nước về hạ du để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố vào mỗi mùa khô thì tổn thất khoảng 5 triệu USD.
Thành phố Đà Nẵng muốn có nguồn nước thô từ thủy điện xả về, nhưng cũng muốn chủ động ứng phó với sự khan hiếm nguồn nước thô thì giải pháp xây đập ngăn mặn là tốt. Nếu chọn phương án xây đập ngăn mặn thì Đà Nẵng cần đề nghị các nhà máy thủy điện phải chi trả đầu tư, bởi nếu đầu tư đập ngăn mặn tại sông Cầu Đỏ với chi phí dưới 10 triệu USD để khai thác các nguồn nước tự nhiên, không dùng nguồn nước thủy điện thì hiện tại các nhà máy có thể tích nước để sản xuất điện năng đem lại lợi nhuận 2,5 triệu USD mỗi năm.
Ông Đỗ Ngọc Ánh, Phó Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam):
Xây đập ngăn mặn vẫn bảo đảm giao thông thủy
Với việc ngày càng gia tăng thời gian và cường độ nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc lấy nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ thì giải pháp xây dựng công trình ngăn mặn là hết sức cần thiết. Tôi khẳng định, công trình đập ngăn mặn là giải pháp tối ưu, bảo đảm khai thác nguồn nước ngọt phục vụ cho nhiều mục tiêu, trong đó có nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tế và phát huy hiệu quả của công trình đập ngăn mặn, nhưng không gây ảnh hưởng đến giao thông thủy, bồi đắp thêm môi trường đa dạng sinh học trước nguy cơ, thách thức về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của việc nước biển dâng. Công trình ngăn mặn chỉ vận hành khi độ mặn tại Cầu Đỏ lớn hơn mức cho phép và mở hoàn toàn khi bình thường nên hầu như không ảnh hưởng tới dòng sông tự nhiên.
Vì vậy, với việc sử dụng giải pháp này sẽ giải quyết được tình trạng xâm nhập mặn và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, giao thông thủy là phù hợp và cần thiết. Một ví dụ tôi nêu đã đưa vào thực tiễn là Đề tài “Nghiên cứu công nghệ để thiết kế, xây dựng công trình ngăn sông lớn vùng triều”, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất giải pháp công nghệ “Đập phao liên hợp” có kết cấu công trình dạng hộp rỗng, tối ưu hóa về mặt chịu lực và thi công lắp ghép hoàn toàn trong nước.
Với kết cấu mới này, khi thi công, không cần sử dụng khung vây hay đê quây ngăn dòng nên không ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, giao thông thủy, không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và đặc biệt là giải quyết được vấn đề kỹ thuật xây dựng công trình trong điều kiện thi công khó khăn với cột nước sâu và sông rộng. Ngoài ra, cũng có nhiều giải pháp thi công đập ngăn khác rất hiệu quả tùy theo tính chất, quy mô đầu tư ở từng dự án thông qua tư vấn, khảo sát thiết kế công trình.
Nhiều tỉnh miền Trung có kiến nghị, đề xuất xây dựng công trình ngăn mặn chống biến đổi khí hậu Ngày 19-3-2018, UBND tỉnh Bình Định đã có Tờ trình số 19/TTr- UBND gửi HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Quảng Trị cũng đã đầu tư đập ngăn mặn trên sông Hiếu. Theo đó, dự án đập ngăn mặn sông Hiếu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung, giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự án được triển khai từ tháng 7-2018 với tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. |
Triệu Tùng