Kinh tế

Để mùa du lịch biển an toàn

09:29, 09/05/2019 (GMT+7)

Vào mùa cao điểm đón khách du lịch, mỗi ngày, biển Đà Nẵng có tới hàng ngàn lượt người đến vui chơi, tắm biển. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) đã có kế hoạch kỹ càng nhằm mang lại cho người dân địa phương và du khách một mùa du lịch biển an toàn, văn minh.

Lúc cao điểm khách vào buổi sáng và buổi chiều, lực lượng cứu hộ phải túc trực thường xuyên để bảo đảm an toàn cho khách tắm biển.
Lúc cao điểm khách vào buổi sáng và buổi chiều, lực lượng cứu hộ phải túc trực thường xuyên để bảo đảm an toàn cho khách tắm biển.

Thông thường, trước khi vào mùa cao điểm du lịch, Ban quản lý đều có các hoạt động cụ thể để đón đầu như: đưa các thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ ra bảo trì, bảo dưỡng, hay tổ chức các khóa kiểm tra nghiệp vụ, tập huấn dành cho các thành viên trong đội cứu hộ.

Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ biển thuộc Ban quản lý cho biết, trong tổng số 90 thành viên của đội cứu hộ, có đội trưởng và đội phó được đi đào tạo tại Malaysia. Ngoài ra, có khoảng 15 nhân viên cứu hộ được tổ chức TASC của Australia tập huấn, cấp chứng nhận về phòng chống đuối nước. Những thành viên này sẽ trực tiếp tập huấn lại cho các đồng nghiệp về các hoạt động chuyên môn, kỹ năng cứu đuối…

“Trong 4 tháng đầu năm, đội cứu hộ đã cứu, vớt và đưa vào bờ hơn 30 trường hợp gặp nguy hiểm khi tắm biển. Riêng dịp lễ 30-4 và 1-5, đội cứu vớt thành công 12 trường hợp, trong đó có 1 du khách nước ngoài tắm biển tại khu vực có vòng nước xoáy, ngoài ra không để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc”, anh Vinh cho hay.

Mùa cao điểm khách du lịch, các thành viên đội cứu hộ làm việc 100% lực lượng, nhất là những khoảng thời gian từ 4 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút và từ 15 giờ đến 19 giờ. Lực lượng trật tự du lịch biển thường phải chia ca trực 24/24 giờ vì lúc cao điểm, lượng khách đông nên phải hoạt động hết công suất từ sáng tới đêm.

Theo anh Nguyễn Hồng Vân, Đội trưởng Đội quản lý trật tự du lịch biển, Tổ trật tự du lịch biển không chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự mà còn kiêm luôn nhiệm vụ nhắc nhở người dân và du khách không xả rác bừa bãi, để ý giữ tài sản cho khách vui chơi, tắm biển... Cái khó nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, dù Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, có cắm các bảng hiệu... nhưng vẫn có một số người không chấp hành nội quy, thậm chí nhiều trường hợp còn mang đồ ăn uống và xả rác ở bãi biển vào ban đêm. Địa bàn rộng, đội trật tự không kiểm soát hết được nên vẫn còn những bất cập nhất định, nhất là trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển.

Một trong những hoạt động được các thành viên đội trật tự du lịch biển Đà Nẵng thực hiện khá tốt, đó là hỗ trợ các gia đình, du khách tìm kiếm trẻ đi lạc tại các bãi biển. Anh Vân cho hay, mùa cao điểm khách, có ngày có tới 30-40 trẻ bị thất lạc hoặc được người nhà nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Cái khó khi tìm kiếm trẻ thất lạc là nhiều trẻ đi lạc ở bãi biển, nhưng không có biểu hiện sợ hãi, hay lo lắng, thậm chí mải chơi nên khó phát hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do người lớn không để ý đến trẻ nhỏ, hoặc trẻ nhỏ ham chơi mà đi lạc. Cao điểm nhất là lúc 17 giờ 30 đến 18 giờ, khi mọi người tắm biển lên mới thường phát hiện ra con cái bị đi lạc và nhờ hỗ trợ.

Khi phát hiện có trường hợp đi lạc hay nhờ tìm kiếm trẻ đi lạc thì Ban quản lý sẽ cho đọc trên hệ thống loa phát thanh dọc bãi biển. Ngoài ra, các thành viên đội trật tự còn sử dụng bộ đàm trên toàn tuyến để liên lạc với nhau, điều này cũng phần nào giúp ích cho việc truyền tải thông tin cần tìm kiếm.

“Về cơ bản các trường hợp đều được tìm thấy, nhưng khá vất vả. Ban quản lý cũng thường xuyên có các khuyến cáo, nhắc nhở, lưu ý đối với du khách khi đưa trẻ nhỏ đi tắm biển trên hệ thống loa phát thanh của bãi biển...”, anh Vân chia sẻ,

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng Ban quản lý cho biết, ngoài việc chuẩn bị các kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cứu hộ, lực lượng trật tự... tại khu vực bãi biển, đơn vị  cũng cho đặt các thùng rác để người dân và du khách bỏ rác vào. Bên cạnh đó, Ban quản lý còn tổ chức các lớp tập huấn, các khóa học ngắn hạn về tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn cho các thành viên trong đội trật tự, cứu hộ và cả các hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi biển để có thể giao tiếp với khách. Các biển báo, biển cấm ngoài tiếng Việt còn được bổ sung thêm các ngôn ngữ khác như: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Bên cạnh đó, các tiểu thương thực hiện ký cam kết về vệ sinh môi trường, bảo đảm không chèo kéo, chặt chém, đeo bám du khách... Các thành viên đội trật tự cũng mở rộng “mạng lưới” bằng cách kết nối với những người dân địa phương là những người đi tắm biển thường xuyên để nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý của họ về các hoạt động, dịch vụ diễn ra hằng ngày trên bãi biển; từ đó có các giải pháp phù hợp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường biển...

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

.