Hết 6 tháng, cả nước đã chi khoảng 4,97 tỷ USD để nhập khẩu thép các loại, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo đại diện Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất thép trong nước có chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán, thép thanh và thép góc tăng lần lượt là 66,2%, 10,8% và 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp tổng sản lượng thép cho thị trường đạt hơn 1,34 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, lượng thép xây dựng xuất khẩu của Hòa Phát cũng tăng 35% so với cùng kỳ.
“Có được sự tăng trưởng tốt chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai, đặc biệt việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sau 6 tháng, cả nước đã chi khoảng 4,97 tỷ USD để nhập khẩu thép các loại. Con số này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá.
Thống kê cho thấy, sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất chiếm 42,4% trong tổng lượng và chiếm 39,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước 5 tháng đầu năm.
Thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2, chiếm 11,5% trong tổng lượng và chiếm 14,1% trong tổng kim ngạch và Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
- Một số thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm:
Theo VietnamPlus