Sản phẩm nhỏ vào thị trường lớn

.

Năm 2018, Công ty TNHH Bắc Đẩu đạt doanh thu xuất khẩu thủy sản 18 triệu USD sau một thời gian “bắt tay” với người Nhật để ứng dụng kỹ thuật đánh bắt hải sản hiện đại. Sau đó, công ty tiếp tục hợp tác với người Nhật để sản xuất surimi (một loại chả cá dùng để chế biến nhiều món ăn ở các nước tiên tiến), giúp tăng vọt doanh thu xuất khẩu sang các nước châu Á và là tiền đề công ty hướng đến xuất khẩu sản phẩm chế biến thủy sản vào thị trường EU.

Dây chuyền chế biến thủy sản hiện đại của Công ty TNHH Bắc Đẩu tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Ảnh: H.H
Dây chuyền chế biến thủy sản hiện đại của Công ty TNHH Bắc Đẩu tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Ảnh: H.H

Vào nghề từ năm 1977, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu trải qua 8 năm vá lưới thuê và đi bạn ở ven biển phía đông thành phố (nay là khu vực phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Qua tích cóp tiền từ lao động, ông Chín đã mua sắm được tàu cá đầu tiên với công suất 22CV.

Những chuyến biển đánh bắt xa bờ liên tiếp trúng lớn, chỉ sau 3 năm, ông Chín lại sắm thêm tàu mới có công suất 33CV. Ở thập niên 70 và 80 của thế kỷ 20, đó là 2 tàu cá lớn. Không dừng lại ở việc đánh bắt hải sản xa bờ trên 2 tàu cá, ông Chín cùng gia đình còn thu mua thủy sản tại bến cá để cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố.

Đến năm 1989, chủ một nhà máy chế biến thủy sản đã giới thiệu ông Chín với một công ty đánh bắt và chế biến thủy sản của Nhật Bản. Ông Chín đã bắt tay với người Nhật đánh bắt cá cơm mờm dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của người Nhật cùng việc cung cấp ngư lưới cụ, máy tầm ngư. Thế nhưng suốt một tháng đánh bắt với “công nghệ” của người Nhật, ông Chín không thu hoạch được bao nhiêu cá cơm mờm. “Tôi đề nghị phía Nhật cho đánh bắt theo kinh nghiệm của ngư dân mình. Kết quả thật mỹ mãn, công cụ của họ, kinh nghiệm của mình đã kết hợp, cho những chuyến đánh bắt đầy khoang cá cơm.

Phía Nhật tin tưởng giao hết toàn bộ trang thiết bị cho tôi sử dụng. Mỗi ngày, tôi cung cấp cho phía Nhật từ 5-10 tấn cá cơm mờm... Đây là trải nghiệm đầu tiên trong việc hợp tác làm ăn với người nước ngoài và cách thức ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào nghề truyền thống. Với đối tác nước ngoài, nhất là người Nhật, một khi chiếm được lòng tin của họ, họ sẵn sàng trao cho chúng ta sự đầu tư thích đáng. Nhưng bản thân mình phải luôn nỗ lực, đáp ứng sự tin cậy và giữ được sự tín nhiệm của đối tác”, ông Nguyễn Văn Chín nói.

Sau khi bắt tay với người Nhật để đánh bắt cá cơm mờm, ông Chín vừa đi biển, vừa cùng với gia đình tiếp tục thu mua, cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp và phát triển một lĩnh vực kinh doanh mới, đó là sơ chế và cấp đông. Đến năm 2000, từ nguồn vốn vay tín chấp của thành phố nhằm khuyến khích vươn khơi, ông Chín đã mạnh dạn vay tiền và đóng mới đôi tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ với tổng trị giá 4 tỷ đồng. Đôi tàu của ông Chín đánh bắt hiệu quả, năng lực cung ứng nguyên liệu cho sơ chế và cấp đông tăng lên. Ông Chín cũng bắt đầu làm dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm của các tàu bạn nhằm giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt và thu nhập.

Quá trình đánh bắt, thu mua và sơ chế hải sản nhiều năm đã giúp ông Chín có một nền tảng vững chắc để bước lên giai đoạn mới. Theo đó, vào năm 2005, ông quyết định rời biển lên bờ, xin thành phố mua ưu đãi 4.000m2 đất ở Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang để đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến thủy sản, trong đó tập trung sản xuất mặt hàng chả cá và thành lập Công ty TNHH Bắc Đẩu. Năm 2012, một doanh nghiệp thủy sản của Nhật Bản đã khảo sát và chọn Công ty TNHH Bắc Đẩu chuyển giao dây chuyền sản xuất surimi hiện đại với trị giá 15 tỷ đồng.

Công ty cũng đầu tư thêm 50 tỷ đồng để mở rộng và mua các loại máy móc chế biến, kho đông lạnh… “Quá trình thăm dò, hướng dẫn, kiểm tra của người Nhật diễn ra trong 3 năm. Tôi kiên trì và cố gắng đáp ứng từng tiêu chí nghiêm ngặt của đối tác bởi tôi nghĩ rằng, khi thị trường Nhật Bản chấp nhận sản phẩm của mình thì con đường xuất khẩu đến các thị trường lớn sẽ rộng mở”, ông Chín nói.

Chính sự ra đời của nhà máy sản xuất surimi cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của thị trường Nhật Bản, Công ty TNHH Bắc Đẩu đã mang một diện mạo khác khi vào năm 2015, doanh thu xuất khẩu thủy sản đạt 6 triệu USD. Từ đây, công ty đã bắt đầu mở rộng  thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, góp phần làm gia tăng đều doanh thu xuất khẩu. Năm 2018, doanh thu xuất khẩu đạt 18 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2015.

Bên cạnh xuất khẩu, Công ty TNHH Bắc Đẩu cũng đang tăng cường đưa sản phẩm vào các siêu thị nội địa. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ hướng vào thị trường EU”, ông Chín khẳng định chắc nịch như vậy bởi Công ty TNHH Bắc Đẩu đã đầu tư trang thiết bị chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn châu Âu DL 34 và DL20.

 HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.