Khởi nghiệp với nghề bếp

.

“Làm việc bằng cả tấm lòng” là tâm niệm của đầu bếp Nguyễn Quốc Nghị, người sáng lập Công ty TNHH TMDV Hunifood (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Trước khi trở thành đầu bếp có tiếng với nhiều giải thưởng ẩm thực cấp quốc gia, anh Nghị đã phải trải qua những năm tháng gian khó, vất vả mưu sinh để trụ lại với nghề.

Anh Nguyễn Quốc Nghị (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách làm một số món ăn thuần Việt cho học viên.   Ảnh: KHANG NINH
Anh Nguyễn Quốc Nghị (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách làm một số món ăn thuần Việt cho học viên. Ảnh: KHANG NINH

Sinh năm 1989 tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), anh Nguyễn Quốc Nghị được giới nghề bếp biết đến là người đầu tiên tại Việt Nam có thể... chiên giòn các loại chất lỏng như: nước súp, nước xốt bằng cách áp dụng kỹ thuật trong ngành ẩm thực phân tử. Anh hiện là Phó Chủ nhiệm Hội Đầu bếp miền Trung, cũng là một giảng viên “quen mặt” của chương trình truyền hình “Món ngon mỗi ngày” trên sóng Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam.  

Anh Nghị kể, năm 18 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đành nghỉ học để theo nghề bếp ở Hội An. Niềm yêu thích bếp núc đã có trong anh từ thời còn nhỏ, bởi cha mẹ bận bịu công việc nên từ năm lên 9 tuổi, anh đã tự tay làm các bữa cơm cho gia đình. 20 tuổi, nhờ tiền vay mượn của cha mẹ, anh mở quán ăn đầu tiên của riêng mình. Chưa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh thất bại, anh đi bộ đội rồi sau đó thi đậu vào đại học. Tuy nhiên, cái duyên với nghề bếp vẫn còn, anh quyết định làm lại một lần nữa. “Lần này, mình chấp nhận đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm trước, tránh lặp lại những sai lầm cũ”, anh Nghị nói.

Hành trình làm thuê của anh bắt đầu từ công việc phụ bếp cho các quán ăn nhỏ và làm đủ mọi việc từ rửa chén, nhặt rau, bóc tỏi đến quét dọn, chạy bàn... Anh kể, những ngày tháng ấy rất vất vả, nhiều lúc còn tủi thân nhưng không hiểu sao anh cứ mãi gắn bó với nghề. Sau một thời gian, anh xin được việc trong các khách sạn 3-5 sao. Anh bảo: “Đó chính là lúc mình bắt đầu được tiếp cận với các kiến thức ẩm thực một cách bài bản. Mình cũng được dạy rất nhiều kỹ năng làm bếp. Càng học, càng làm, mình càng nhận ra đã đi đúng đường”. Dần dần, anh được tín nhiệm và trở thành bếp trưởng ở một số khách sạn lớn tại Đà Nẵng. Năm 2017, anh Nghị chính thức trở thành giảng viên tại Trung tâm dạy nghề ẩm thực NetSpace, chuyên trách các món Việt và món Hoa.

Dù vậy, giấc mơ làm chủ nhà hàng thời tuổi đôi mươi vẫn còn thôi thúc trong tim anh. Cuối năm 2018, anh xây dựng Hunifood - dịch vụ chuyên cung cấp giải pháp tiệc tại nhà. Anh nói: “Mình ấp ủ ý tưởng này từ năm 2014 nhưng đến 4 năm sau mới mạnh dạn thực hiện. Mình nhớ có lần một người bạn nhờ đặt tiệc tại nhà để chiêu đãi một đoàn khách nước ngoài, yêu cầu phải vừa sang trọng vừa thân mật, các món ăn theo khuynh hướng Fusion (trường phái ẩm thực kết hợp các thành tố của các truyền thống ẩm thực khác nhau nhưng không nghiêng hẳn về trường phái nào, ví dụ như 1 món ăn châu Á được trình bày theo kiểu phương Tây). Ở Đà Nẵng lúc đó chưa có dịch vụ nào như vậy nên mình đã nảy ra ý tưởng làm Hunifood để giải quyết nhu cầu đó”.

Thế nhưng không phải cứ là đầu bếp giỏi thì sẽ khởi nghiệp thuận lợi. Anh Nghị kể, lúc Hunifood mới thành lập, vốn liếng hạn hẹp nên công ty chỉ có vài nhân viên. Có lần khách đặt tiệc mà lại không có đủ người làm, đích thân anh phải đi rửa từng cái chén, cái đĩa. Rồi lại có những lúc tiệc tan muộn quá nên không kịp dọn chén bát về, đành gửi lại qua đêm trong sân nhà khách. Sáng hôm sau khách báo chén bát đã bị... trộm khoắng sạch. Khó khăn nhiều, thậm chí có lúc tưởng chừng bỏ cuộc nhưng với lòng quyết tâm, cuối cùng Hunifood đã vượt qua giai đoạn ấy.

Anh Nghị cho biết, phương châm làm việc của Hunifood là “mang cả nhà hàng đến gia đình khách”. Theo đó, ở mỗi bữa tiệc, anh chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất, từ cái muỗng, cái đũa đến que tăm. Đội ngũ đầu bếp cũng được anh lựa chọn, đào tạo bài bản để có thể làm ra những món ăn bảo đảm chất lượng. Anh chia sẻ: “Sau hơn 10 năm làm nghề, mình chỉ có thể rút ra một điều: muốn làm điều gì thành công thì phải làm điều đó bằng cả tấm lòng”.

Hiện anh Nghị đang là đồng sáng lập viên của dự án “Đào tạo ẩm thực vì cộng đồng - Chiếc cần câu cơm”, chuyên đào tạo nghề bếp miễn phí toàn phần cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Trung. Anh bảo, đây là một cách anh tri ân những người đã từng giúp đỡ mình trong những ngày tháng đầu theo nghề bếp. Dự kiến dự án sẽ khởi động vào đầu năm nay. Không chỉ đào tạo nghề bếp, “Chiếc cần câu cơm” còn giới thiệu, kết nối các học viên đến làm việc tại những nhà hàng, khách sạn, tạo công việc có thu nhập ổn định; đồng thời giúp cộng đồng những người làm nghề bếp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung ngày càng phát triển.

KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.