Ngân hàng cần mở rộng hỗ trợ cho doanh nghiệp

.

Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) đang ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh doanh. Để giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã sớm có những động thái hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc hỗ trợ mới chỉ ở một số đối tượng doanh nghiệp, trong khi ảnh hưởng kinh tế do tác động của Covid-19 là rất lớn.

Ngay sau khi Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những văn bản chỉ đạo, kêu gọi các ngân hàng thương mại áp dụng những biện pháp hỗ trợ cho người vay, không được tăng lãi suất cho vay vào thời điểm này; đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình xử lý tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn. Trong bối cảnh cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đã đưa ra những chính sách hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới với lãi suất ưu đãi… với đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất, nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (trên 50% nguồn doanh thu) hoặc nông sản bị ảnh hưởng vì không xuất khẩu được sang Trung Quốc….

Đánh giá đây là những động thái tích cực cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cho biết, công ty bị ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của Covid-19 và thuộc diện hỗ trợ của một số ngân hàng thương mại. Do đó, công ty đã làm việc với các ngân hàng đối tác để đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể và hỗ trợ sao cho phù hợp. Tuy vậy, hiện công ty cũng chỉ “chờ”, chứ chưa có hỗ trợ nào được thực hiện.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, số lượng ngân hàng tuyên bố hỗ trợ còn ít và cần mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ. Ông Trần Hoàng Thái, Giám đốc Công ty CP Dewoo cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp của thành phố bị ảnh hưởng khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp sang Trung Quốc cũng như doanh nghiệp du lịch, dịch vụ… Thế nhưng, có cả những đối tượng doanh nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng kéo theo, dù cho thị trường chính của họ không phải từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu thuộc đối tượng hỗ trợ thì cũng chỉ được hỗ trợ trong vài tháng, trong khi ảnh hưởng về kinh tế do Covid-19 chắc chắn sẽ kéo dài.

Cũng có chung quan điểm, bà Trương Thị Phương Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất Dana Plywood cho hay: “Vừa qua tôi cũng nghe thông tin trên báo chí, đài truyền hình đưa tin về việc Chính phủ, các bộ, ngành có tính đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Đây là tín hiệu tích cực từ phía Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ và số lượng ngân hàng hỗ trợ còn ít”. Theo bà Linh, công ty của bà dù thị trường xuất khẩu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… nhưng khi cần mở rộng sản xuất thì máy móc và một số nguyên liệu là nhập từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã hoãn sang Việt Nam để làm việc với công ty, điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của công ty.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Thành Đạt, giảng viên khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra chủ trương kêu gọi ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, song, ngân hàng thương mại còn phải cân đối hỗ trợ theo thực trạng kinh doanh, mọi động thái, chính sách đều phải tính toán cả lợi ích cho chính họ. Một khi nếu đã tuyên bố hỗ trợ thì cần xem xét hiệu quả thực tế, tránh tình trạng nêu khẩu hiệu nhưng không làm, hoặc làm cho qua. “Việc chờ một chính sách quy định cụ thể từ trên cũng sẽ mất khá nhiều thời gian, nếu doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh thì nên làm việc cụ thể với ngân hàng đối tác của mình để có những thẩm định chính xác và có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho trường hợp của doanh nghiệp trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Thành Đạt nhận định.

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng đã sớm có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thống kê khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 và giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân phù hợp với quy định. Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang chờ chính sách hướng dẫn cụ thể về cơ chế gia hạn, cơ cấu, giãn nợ… bởi theo quy định hiện hành, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu hoặc các khoản nợ được miễn giảm lãi vay do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng sẽ bị phân vào nợ xấu.

Ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của Covid-19

Ngày 25-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận Văn bản số 1117/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất-kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang ảnh hưởng của Covid-19 để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm giữ nguyên nhóm nợ, các khách hàng này có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến 31-3-2020, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này; cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất. Đồng thời, tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ.

Tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng; báo cáo lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào ngày 15-3 và 31-3 tới.M. QUẾ

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.