Trước những ảnh hưởng của Covid-19, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động có những kịch bản trước mắt và dài hơi nhằm góp phần khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra cũng như sẵn sàng cho thời kỳ ổn định lại đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp, người kinh doanh vượt qua khó khăn do Covid-19 đã và đang được các cấp thành phố xem xét, đề xuất và triển khai. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Sản xuất thiết bị y tế Danameco Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Doanh nghiệp đánh giá cao sự chủ động của chính quyền
Sau nhiều buổi làm việc cũng như trao đổi với các cấp lãnh đạo thành phố, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, lãnh đạo thành phố cùng Sở Du lịch đã làm tốt nhất những gì có thể để tiếp thu, ghi nhận và tìm cách tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố, trong đó có các doanh nghiệp du lịch đang chịu nhiều tổn thất trước ảnh hưởng của Covid-19.
“Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đến các sở, ngành liên quan. Thành phố đã vào cuộc rất nhanh chóng và quyết liệt với những giải pháp hợp lý khiến chúng tôi cảm thấy tin tưởng. Giờ đây, chúng tôi chỉ còn mong các giải pháp được nhanh chóng triển khai để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này”, ông Dũng chia sẻ.
Đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai công tác phòng, chống Covid-19, góp phần giữ được sự an toàn cho địa phương tính đến thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng đây là thành công bước đầu nhưng hết sức quan trọng để giúp Đà Nẵng nhanh chóng phục hồi và quay trở lại với quỹ đạo phát triển “hậu” Covid-19.
“Lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành đã rất tích cực trong việc vận dụng linh hoạt những nguồn lực sẵn có để hỗ trợ doanh nghiệp trước những khó khăn trước mắt do Covid-19 gây ra, đồng thời chủ động có những giải pháp để chuẩn bị cho thời điểm sau khi dịch đi qua.
Đặc biệt, gói 14.000 tỷ đồng đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư đối với một số dự án trọng điểm của thành phố là giải pháp về lâu dài, tạo được sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nếu muốn tham gia.
Các giải pháp được sở, ngành đề xuất tại những buổi gặp gỡ với các hội, hiệp hội doanh nghiệp thành phố là hợp lý với tình hình diễn ra ở thực tiễn. Vấn đề đặt ra bây giờ là cần triển khai quyết liệt và hiệu quả, trong đó ưu tiên trước mắt đối với ngành dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải…”, ông Quang nói.
Đồng quan điểm, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố đã rất chủ động, tích cực trong việc đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như dài hạn và công khai, minh bạch tại những buổi làm việc với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để cùng nhau thảo luận nhằm thống nhất được hướng xử lý kịp thời và hiệu quả nhất.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Du lịch thành phố, đơn vị đã có kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn sẵn sàng tham gia vào các gói kích cầu được thành phố tổ chức nhằm góp phần quảng bá về điểm đến cũng như duy trì được hoạt động của đơn vị.
Hoạt động chủ yếu ở mảng thương mại, ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vietrolimex cho rằng các giải pháp mà thành phố đưa ra đã bám sát nhu cầu và tình hình thực tế những khó khăn của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế thành phố nói chung.
Theo ông Dõng, điều cần thiết lúc này là phải triển khai nhanh chóng các giải pháp về miễn, giảm, giãn, gia hạn cho doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội… nhằm giúp dòng tiền được lưu chuyển, nhờ đó doanh nghiệp có được nguồn lực cần thiết nhằm giữ được ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục triển khai giải pháp cụ thể
Để chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn do Covid-19, Sở Du lịch thành phố đã tham mưu, đề xuất một số gói giải pháp sẽ triển khai trước mắt như: gói kích cầu nâng cao chất lượng, gói kích cầu tạo thêm các dịch vụ mới và gói kích cầu giảm giá nhiều dịch vụ.
“Trước mắt, chúng tôi tiếp tục phối hợp Sở Y tế để truyền thông mạnh mẽ về an toàn của điểm đến. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lượng khách đến thành phố giảm, việc đề xuất giảm giá, phí vào cổng đối với các điểm đến do thành phố quản lý như khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng cũng như một số điểm vui chơi, giải trí khác sẽ góp phần tạo ra điểm nhấn, nét ưu thế riêng biệt cho thị trường du lịch thành phố trong thời gian này.
Song song đó, thúc đẩy nhanh hơn việc xúc tiến mở các đường bay đến các quốc gia chưa xảy ra Covid-19, đồng thời, đã có chương trình kích cầu du lịch với 2 địa phương lân cận là tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, thúc đẩy việc mở con đường ra vịnh Đà Nẵng, bãi Cát Vàng và vịnh Sủng Cỏ… để có thêm sản phẩm cho ngành du lịch ngay sau khi Covid-19 đi qua”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết.
Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ, theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này là triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, không để xảy ra những biến động lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại…, nơi thường xuyên có đông người tập trung, không chủ quan trong công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Trên mặt trận tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông cho biết, đơn vị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với các thông tin về Covid-19, nhất là kịp thời xử lý những luồng thông tin xấu, sai lệch về tình hình diễn biến của dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về an toàn của điểm đến cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố cũng như các ngành, lĩnh vực.
Trước các giải pháp tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung lớn nhằm bình ổn và kích cầu thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm, giãn thuế, thời hạn trả nợ lãi vay…, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người tiêu dùng cho rằng đây là động thái cần thiết để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng đồng hành chia sẻ với những khó khăn mà một bộ phận lớn doanh nghiệp, người dân đang gánh chịu do ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời mong muốn, các giải pháp cần được gấp rút triển khai nhằm phát huy giá trị, tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp, người kinh doanh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi làm việc với các hội, hiệp hội doanh nghiệp diễn ra vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu các sở, ngành, trong thời gian đợi Trung ương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, lãi suất, vay nợ ngân hàng…, cần chủ động có phương án cụ thể, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp để khi văn bản ban hành sẽ triển khai nhanh chóng và chính xác đến cộng đồng doanh nghiệp. Về phía các hội, hiệp hội, khi văn bản Trung ương được gửi về, trong quá trình triển khai cho doanh nghiệp, hội viên, cần nắm bắt nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc để báo cáo kịp thời lên thành phố. |
KHÁNH HÒA